Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội đã lan ra cả ngoại thành

Thứ Sáu, 07/07/2017, 09:57
Tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, một vấn đề nhức nhối hiện này được đề cập tới là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đang diễn ra phổ biến không chỉ ở nội thành mà cả ở ngoại thành, xâm phạm cả công trình điện, đê điều.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có hơn 900 công trình vi phạm chưa xử lý dứt điểm dù thanh tra xây dựng đã lập biên bản, thậm chí là Chủ tịch UBND TP đã có chỉ đạo xử lý. “Đơn cử là những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại các địa bàn Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh... Dù tại Kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố, chủ toạ đã kết luận chỉ đạo các địa phương phải giải quyết tình trạng này nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. “Vậy nguyên nhân là do đâu? Giải pháp nào cho vấn đề này?”,  ông Vũ Ngọc Anh đặt câu hỏi.

Quang cảnh kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Châm thừa nhận, có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn mình quản lý, đặc biệt nghiêm trọng tại các xã như Hải Bối và Nguyên Khê.

Theo ông Châm, nguyên nhân nằm ở sự quản lý yếu kém của chính quyền cơ sở tại một số thời điểm, trách nhiệm thuộc về cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cơ sở, chưa xử lý kiên quyết và 3 khóa liền đều phải xử lý cán bộ, thậm chí là hình sự từ Bí thư đến Chủ tịch xã. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng đưa ra thời điểm xử lý dứt điểm tình trạng trên ở xã Nguyên Khê là trước 15-7 và xã Hải Bối là trong vòng 6 tháng cuối năm. Ông Châm cam kết, sau xử lý mà vẫn tái diễn vi phạm sẽ chuyển cơ quan pháp luật để xử lý.

Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết năm 2016, huyện Mê Linh đã đình chỉ nhiệm vụ của hai chủ tịch xã để chấn chỉnh việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Đối với các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều như thị trấn Quang Minh sẽ có chấn chỉnh cụ thể với chính quyền cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng thừa nhận việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là phổ biến. Trong năm vừa qua dù các cấp chính quyền có cố gắng, có tập trung nhưng việc thực hiện chưa nhiều. Những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để, những phát sinh mới chưa được xử lý sớm. Vì vậy diễn biến còn phức tạp. "Chúng ta còn nhận dạng trước đây vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu ở nội thành thì nay còn xuất hiện ở ngoại thành, đất nông nghiệp và cả hành lang an toàn của đê điều, điện lực", ông Hùng nói.

Sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra với những chủ đầu tư không khắc phục vi phạm phòng cháy chữa cháy

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, thành phố sẽ có biện pháp mạnh xử lý đối với các chủ doanh nghiệp vi phạm, đồng thời khuyến khích khen ngợi các chủ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

"Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân xem xét khi mua chung cư, cần để ý tới cơ sở vật chất PCCC. Các công trình dự án thi công trên địa bàn UBND TP không đạt yêu cầu PCCC sẽ không được cấp phép điện, nước kể cả đang thi công lẫn hoàn thiện rồi", ông Sửa nói.

Theo ông Sửa, giám đốc đơn vị nào mà ký hợp đồng bán điện, nước thì phải chịu trách nhiệm; còn chủ đầu tư nào vi phạm chây ì không khắc phục thì sẽ không cho đầu tư, không cấp phép mới. Ngoài ra, trong số 73 chủ đầu tư vi phạm PCCC chưa khắc phục, lãnh đạo UBND thành phố sẽ giao cho đơn vị PCCC cứ 15 ngày vào lập biên bản một lần. 

“Vi phạm lâu, nhiều lần sẽ căn cứ điều 240 Bộ luật Hình sự chuyển cơ quan điều tra với những chủ đầu tư chây ì không khắc phục vi phạm”, ông Sửu khẳng định.

Ngọc Yến
.
.
.