Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, bao che vi phạm trật tự xây dựng

Thứ Hai, 24/09/2018, 15:27
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhìn nhận, một số địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, có nơi còn cố tình bao che và cố tình vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các xã, phường, thị trấn.


Sáng 24-9, Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP.Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2018 về hai nội dung quan trọng là kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và kết quả thực hiện kế hoạch số 125 của UBND TP về khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Xem xét kỷ luật 89 cán bộ vi phạm

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thông tin, về trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã trong 8 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra toàn bộ 15.299 công trình có tính chất xây dựng (đạt 100%), trong đó 824 công trình có vi phạm (giảm tới 867 trường hợp so với cùng kỳ 2017). 

Thành ủy, HĐND-UBND TP Hà Nội giao ban với các quận, huyện, sở ngành vào sáng 24-9

 Về việc xử lý nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo), từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018, đã tiếp tục xử lý 12/132 trường hợp nhà đất thuộc diện này đã tồn đọng từ nhiều năm trước chưa giải quyết được.

Trong đó, thành phố đã giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét, thống nhất với đề xuất của các quận tiếp tục thu hồi phục vụ mục đích công cộng với 32 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.  

Với những nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ 2013 đến nay) có tổng số 552 trường hợp. Đến nay, đã xử lý, giải quyết 493/552 trường hợp (đạt 89,31%), số còn lại đang tiếp tục xử lý và dự kiến hoàn thành trong năm 2018…

Bên cạnh đó, từ tháng 3-2014 đến tháng 5-2018, các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tiến hành xem xét trách nhiệm của các cá nhân, kỷ luật đối với 89 cán bộ công chức, viên chức thuộc thanh tra xây dựng có vi phạm.

Tuy vậy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ; chất lượng một số đồ án quy hoạch còn chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện đầu tư gây bức xúc; vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng còn diễn biến phức tạp. Thậm chí, một số địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, có nơi còn cố tình bao che và cố tình vi phạm… nhất là các xã, phường, thị trấn.

Sớm “xóa sổ” bếp than tổ ong

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý, cần đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư xây dựng theo giấy phép quy hoạch và giấy phép xây dựng.

Đặc biệt, phải phát hiện sớm các vi phạm để xử lý kịp thời ngay từ những “viên gạch đầu tiên”, không để thành “sự đã rồi” thì xử lý rất khó khăn, thậm chí để lại gánh nặng cho nhiệm kỳ sau. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cấp xã phường phải rất sâu sát, vào cuộc quyết liệt để nắm tình hình. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu sớm "xóa sổ" bếp than tổ ong

Ngoài ra, phải sớm triển khai quy hoạch cải tạo các chung cư cũ. Dù, đây là lĩnh vực rất khó, vướng nhiều cơ chế chính sách, vậy nên muốn thực hiện được cần phải mạnh dạn đề xuất, cần thiết thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế.

Về vấn đề môi trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố triển khai quyết liệt hơn chương trình hạn chế tiến tới “xóa sổ”,  cấm sử dụng than tổ ong trong các khu chung cư và tăng cường kiểm tra đề án này. 

Việc cấm bếp than tổ ong vừa góp phần phòng chống cháy nổ vừa đảm bảo môi trường sống cho chính các cư dân. “Đề án này các đồng chí cần sớm trình, phê duyệt để đưa ra thời điểm dừng sử dụng than tổ ong trên toàn thành phố, trước hết ở các quận nội thành, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ngọc Yến
.
.
.