Vẫn chưa "chốt" được phương án giảm phí các dự án BOT

Thứ Ba, 07/06/2016, 18:55
Bộ Tài chính và Bộ GTVT vẫn đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư BOT khẩn trương hoàn thành công tác các dự án để chốt lại phương án tài chính.


Ngày 7-6, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ GTVT quản lý. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến tham dự và chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO cho rằng, cần phải xem xét lại về quá trình đầu tư các dự án BOT. “Chúng ta đầu tư cùng lúc nhiều tuyến Quốc lộ với mật độ ‘hơi dày’ và người dân không có sự lựa chọn. Người dân không thích thì đi đường cũ, nhưng ngả nào đường nào cũng ‘dính’ vào BOT nên rất bức xúc. Do vậy phải quy hoạch lại, chỗ nào là Quốc lộ cũ thì Nhà nước nếu không có tiền đầu tư thì kêu gọi nhà đầu tư còn không thì làm tuyến mới nhưng tuyến mới thì không đầu tư được vì khó huy động vốn...".

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét việc giảm phí  ở một số dự án BOT.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh  cũng cho rằng: Các trạm thu phí được bố trí quá gần nhau, quá manh mún. Tiền phí đường cao hơn tiền xăng dầu, làm đảo lộn giá trị vận tải.

Chủ tịch Hiệp hội đưa ra dẫn chứng, xe chạy Hà Nội Ninh Bình tính ra chưa đến 100 tiền xăng, nhưng phải mất tới 150.000 tiền phí, như thế có phần hơi vô lý. Hay như quy định trạm thu phí mà ùn tắc từ 1km trở lên là phải mở cửa cho xe lưu thông, thế nhưng trên cao tốc Hà Nội-Cầu Giẽ, từng vài lần ùn tắc nhưng không được mở cửa…

Từ những bất cập trên, ông Thanh kiến nghị cần sớm khắc phục càng sớm càng tốt. Đồng thời công khai minh bạch việc đầu tư, thu phí, lộ trình thu phí của các trạm để người dân và người sử dụng cùng tham gia giám sát.

Trước những búc xúc của doanh nghiệp và người dân, một câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị là có thể giảm phí BOT đường bộ hay không? Trả lời câu hỏi này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.

Theo Bộ GTVT, việc không sử dụng đến chi phí dự phòng của Dự án một phần nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã ổn định được nền kinh tế vĩ mô (lãi vay giảm và ổn định, chỉ số CPI ở mức thấp và trực tiếp là chỉ số giá vật liệu xây dựng thấp...).

“Thời gian thu phí hoàn vốn dự án sẽ được xác định, điều chỉnh lại trên cơ sở giá trị quyết toán được Bộ GTVT thoả thuận theo đúng quy định của Hợp đồng BOT đã ký. Giá trị quyết toán dự án này phải được xác nhận bởi kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước để tránh thất thoát”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Hiện Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư BOT khẩn trương hoàn thành công tác các dự án để chốt lại phương án tài chính.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm; 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống còn lại là UBND tỉnh quản lý. Trong số các trạm thu phí trên quốc lộ, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.

Phạm Huyền
.
.
.