Ưu tiên đầu tư kỹ năng lao động cho phụ nữ trong các nền Kinh tế APEC
Sáng 29-9, Đối thoại Chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn và đại biểu các nền Kinh tế APEC đã diễn ra tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế).
- Công tác y tế phục vụ các đại biểu cấp cao tại APEC 2017 đã sẵn sàng
- Khai mạc Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017
- Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC
- Các nền Kinh tế APEC tham gia đêm Văn hóa Tịnh Yến
Đây là sự kiện chính thức cuối cùng để các đại biểu thông qua Tuyên bố về tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE 2).
Phát biểu tại Đối thoại Chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đồng thời, APEC cũng khẳng định rằng bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung Phát biểu tại Đối thoại Chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC vào sáng 29-9. |
Các báo cáo cho thấy rằng nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua việc kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế - xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, đại biểu đại diện 21 nền Kinh tế APEC tham gia sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC. |
“Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, đầu tư vào kỹ năng và năng suất cho lao động nữ là một trong những ưu tiên của hoạch định chính sách. Tôi mong muốn các nền kinh tế APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công, bởi điều này sẽ làm giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Những biện pháp này đòi hỏi các Chính phủ và các doanh nghiệp phải bổ sung ngân sách đầu tư...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đối thoại. |
Nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng từ 2,4 đến 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm.
Các đại biểu tham gia sự kiện Đối thoại. |
Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong APEC đang phải đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại, do đó việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tiếp tục đảm bảo các tiến bộ về kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là chìa khóa để thực hiện xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường.
Tại phiên làm việc Đối thoại Chính sách cao cấp về phụ nữ và Kinh tế APEC trong ngày 29-9, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, đại biểu đại diện 21 nền Kinh tế APEC sẽ tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế; các biện pháp để tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với giáo dục, đào tạo, tài chính, công nghệ... để từ đó thông qua Tuyên bố về phụ nữ và kinh tế trong APEC.