Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thành lập thị xã Sa Pa

Thứ Tư, 11/09/2019, 14:43
Sáng 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.


Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày cho biết, việc thành lập thị xã Sa Pa xuất phát từ hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và đô thị trên địa bàn huyện Sa Pa. Sa Pa là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Lào Cai, đã có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, thuộc cửa ngõ nối hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc.

Những năm gần đây, số lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng hàng năm (tăng trung bình 23,4%/năm). Sa Pa đã trở thành một trong hai Khu du lịch quốc gia trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc thành lập thị xã Sa Pa nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn của huyện Sa Pa hiện nay, cụ thể là sự quá tải của đô thị Sa Pa kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khai thông từ tháng 9-2014 đến nay đã làm thay đổi cơ bản thị trường khách du lịch đến Sa Pa, đã trở thành khu du lịch đại chúng và là nguyên nhân nảy sinh các vấn đề bất cập về văn minh du lịch, thương mại, nếu không có sự quản lý tốt sẽ rất phức tạp về an ninh trật tự, môi trường.

Trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của Sa Pa, mô hình chính quyền nông thôn của huyện Sa Pa không còn phù hợp trong việc quản lý địa bàn có tốc độ đô thị hoá cao, quy mô kinh tế phát triển nhanh, lượng khách du lịch lớn, nhất là từ khi Khu du lịch quốc gia Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận.

“Vì vậy, việc được chuyển đổi mô hình từ chính quyền nông thôn (huyện) sang thành chính quyền đô thị (thị xã) để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý địa bàn đã, đang tiếp tục có tốc độ đô thị hoá nhanh là rất cần thiết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quản lý về du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng..., tạo động lực phát triển mới đối với với Sa Pa hiện nay và trong tương lai”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lý giải.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Lào Cai phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng thị xã Sa Pa phù hợp với quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để Sa Pa phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm quyền lợi, đời sống, sản xuất của nhân dân và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, quyền lợi và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trên địa bàn theo đúng các nội dung đã nêu trong Đề án và Báo cáo giải trình của Chính phủ. 

Toàn cảnh phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý, bởi đây là địa bàn có liên quan đến vấn đề quốc phòng và an ninh. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây cũng là một địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, có ý nghĩa quan trọng trong tác chiến, phòng thủ. Do vậy, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định nhưng đây là vấn đề đặc thù, nên có thể vận dụng điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị quyết 1211 của Quốc hội cho địa bàn đặc biệt này.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tại phiên họp 100% thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đồng thời, UBTVQH cũng nhất trí thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.


B.Quân
.
.
.