Tương lai quan hệ hợp tác Việt - Nga phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp
- Nhiều hoạt động phong phú trong ngày làm việc chính của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Liên bang Nga
- Mới đến Moscow, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vào ngay chương trình làm việc
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên đường thăm chính thức Cộng hòa Belarus
Buổi toạ đàm đã thu hút hơn bốn trăm đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của cả hai nước. Đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành tham gia chuyến thăm của Chủ tịch nước cùng dự. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Nga điều hành buổi toạ đàm.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Nga đọc lời chào mừng và nêu ý kiến đề dẫn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu, chia sẻ tình cảm cùng mối quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia.Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ khai mạc Toạ đàm Kinh tế Việt - Nga. |
Xác định quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga được định hình và phát triển dựa trên 3 trụ cột vững chắc, đó là: Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời; Tình cảm sâu sắc và sự tin cậy chính trị đã được thử thách qua thời gian; Khuôn khổ hợp tác chiến lược toàn diện đã được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: "Sau hơn 3 thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và ổn định, có quy mô trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD với tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh của thế giới...
Đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 300 tỷ USD vốn đầu tư từ 119 đối tác và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, nông nghiệp.
Không chỉ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, khai khoáng, viễn thông, nông - lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ… với những đối tác chính là những quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời".
Mặc dù không quên khẳng định Liên bang Nga hiện là đối tác nước ngoài duy nhất có quan hệ hợp tác đầu tư mang tính tương tác cao với Việt Nam khi quy mô thu hút và đầu tư của mỗi nước đều vượt 1 tỷ USD và về thương mại, Liên bang Nga là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt trên 2,7 tỷ USD, song theo như Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhìn nhận: "Kết quả này còn rất khiêm tốn so với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2020 mà lãnh đạo hai nước đã đề ra".
Từ thực tế đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: "Tương lai của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ phụ thuộc vào mong muốn và nỗ lực của hai nhà nước và nhân dân hai nước, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp".
Vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội mới, chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo.
Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: "Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Liên bang Nga kết nối đầu tư, kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam".
"Sự thành công của các bạn cũng là sự thành công của chúng tôi" - kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sau khi tham gia Lễ khai mạc toạ đàm Kinh tế Việt - Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft, một doanh nghiệp dầu khí lớn của Nga đang tham gia tích cực vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án lớn.