Tuần tới, Quốc hội cho ý kiến một số dự án Luật quan trọng

Chủ Nhật, 04/11/2018, 19:46
3 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật CAND (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến.

Trong tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến một số dự án Luật quan trọng như Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật CAND (sửa đổi); Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá…Trong đó, có 3 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật CAND (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đặc biệt, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước như: Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về đánh giá tình hình 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc thiểu số và miền núi (nếu có) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (nếu có); biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019…

Dự kiến, thứ 2, ngày 5-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Tiếp đó,  Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra, sau đó Quốc hội thảo luận tại hội trường về vấn đề này và việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Hiệp định CPTPP.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo giải trình tiếp thu,  chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Chiều thứ 3, ngày 6-11, sau phần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV

Thứ 4, ngày 7-11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là  Luật Đặc xá (sửa đổi) và  dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)…

Kết thúc tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội với nhiều hoạt động nổi bật là chất vấn các thành viên Chính phủ gồm các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là một hoạt động rất quan trọng trong mỗi kỳ họp, đã để lại ấn tượng về tinh thần dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước những vấn đề trọng đại cũng như cụ thể mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. 

Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận đi thẳng vào vấn đề, 3 ngày chất vấn trôi qua với hàng chục vấn đề liên quan đến hầu hết các thành viên Chính phủ đã được các ĐBQH không ngần ngại “xới” lại; thậm chí, có cả những vấn đề mới xuất phát trên nền của những vấn đề cũ đã được các ĐBQH đưa ra chất vấn một cách thẳng thắn.

Điểm mới nổi bật của phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người trả lời chất vấn mà tất cả các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có nội dung liên quan đều phải trả lời. Có lẽ chính sự cởi mở đó đã tạo nên không khí tranh luận rất sôi nổi ở nghị trường. Với thời gian hỏi 1 phút trả lời 3 phút nên các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời cũng đi thẳng vào vấn đề, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn, giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến.

Một điểm dễ nhận thấy tại phiên chất vấn là sự tranh luận sôi nổi giữa chính các đại biểu Quốc hội trong phần đặt câu hỏi, nêu vấn đề. Trong 3 ngày chất vấn, 82 lượt đại biểu đã tranh luận, trong đó có nhiều lần các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau.

Qua những tranh luận công khai tại nghị trường của các đại biểu cho thấy những góc nhìn đa chiều về một vấn đề, đưa ra những nhận định, đề xuất đã giúp các vị Bộ trưởng, trưởng ngành có cái nhìn sâu sắc hơn để điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Không bàn đến việc đúng sai của các nội dung tranh luận, bởi cách tiếp cận vấn đề của mỗi đại biểu từ góc độ, điều kiện đang còn khác nhau, nhưng rõ ràng, những tranh luận mang tính phản biện ngay giữa các đại biểu trong phiên chất vấn đã góp phần thể hiện rất rõ tinh thần và không khí của một Quốc hội dân chủ, minh bạch.

Trong bài phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật - kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Phương Thuỷ
.
.
.