Tuần này, Quốc hội thảo luận nhiều dự luật liên quan quyền con người

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:57
Các dự án luật: Tiếp cận thông tin, Tín ngưỡng tôn giáo, Trưng cầu ý dân, Luật về hội, Luật Tạm giữ, tạm giam… sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận trong chương trình nghị sự tuần này. Đây là các dự án luật liên quan trực tiếp quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Đối với dự án Luật Tiếp cận thông tin, dự thảo trình Quốc hội kỳ này đã có một số chỉnh lý, bổ sung, quy định rõ về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 2 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, theo đó công dân có quyền tiếp cận thông tin; tự do tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và sử dụng thông tin theo quy định của luật này. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên thì việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và sử dụng thông tin phải thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp Luật trẻ em có quy định khác.

Đại biểu thảo luận tại hội trường.

Những thông tin phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử như: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sơ đồ tổ chức của cơ quan và đơn vị trực thuộc; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan liên quan đến cá nhân, tổ chức; nội quy, quy chế do cơ quan ban hành; địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan, đơn vị, cá nhân làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin…

Về dự án Luật Trưng cầu ý dân, nguyên tắc là đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân. Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định, khách quan, khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Theo dự luật, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của luật. Trên cơ sở đề nghị trưng cầu ý dân của cơ quan, người có thẩm quyền, Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác của đất nước, phạm vi trưng cầu trên cả nước. Những trường hợp không trưng cầu ý dân như: Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp trong cả nước; không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ này. Theo dự luật, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo có quyền tự do bày tỏ niềm tin; hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp; tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo…

Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước. Kỳ này, sau khi thảo luận, dự án tiếp tục được chỉnh lý để Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ. Dự luật quy định nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam như: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan. Việc áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Trong chương trình kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ thảo luận tại tổ dự án Luật về Hội. Dự luật do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, đã được lấy ý kiến tổ chức, cá nhân. Quá trình nghiên cứu xây dựng nội dung dự thảo Luật về Hội, cơ quan soạn thảo đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Sắc lệnh 102/SL004, ngày 29-5-1957 về quyền lập Hội vẫn còn hiệu lực. Dự luật có sự kế thừa, sắp xếp lại bố cục, nội dung, hoàn thiện một số điều, khoản, bổ sung một số điều, khoản mới trên cơ sở Sắc lệnh này.

Một nội dung giám sát chuyên đề được Quốc hội thảo luận vào thứ tư tuần này về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Ngoài ra, các dự án: Bộ luật Hàng hải sửa đổi, Luật Báo chí sửa đổi, Luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… cũng sẽ được thảo luận, cho ý kiến.

Nguyễn Thành
.
.
.