Từ khát vọng thiêng liêng đến hiện thực cuộc sống

Thứ Bảy, 03/09/2016, 06:30
Cách đây 71 năm, ngày 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 


Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc.

Thực hiện khát vọng thiêng liêng đó, hơn 70 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cần cù sáng tạo, đoàn kết, hy sinh để giữ vững thành quả và nỗ lực thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trải qua các thời kỳ, Việt Nam đã từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước; phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hơn 70 năm qua, Việt Nam đã giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên những cải biến sâu sắc trong đời sống xã hội, đặc biệt là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. 

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nghề nông, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh từ 20,8 tỷ USD năm 1995 lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.180 USD. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng.

Hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hàng hải được quan tâm đầu tư và có bước phát triển mạnh về quy mô, năng lực, đảm bảo sự kết nối và thông suốt trên phạm vi cả nước. 

Nhiều tuyến đường cao tốc: Hà Nội- Lào Cai; TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây; Đà Nẵng- Quảng Ngãi; Cầu Giẽ- Ninh Bình…; nhiều công trình giao thông quan trọng, cầu, cảng, sân bay… đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế, bảo vệ quốc phòng an ninh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Văn hóa - xã hội có bước phát triển. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai nhằm giảm nghèo bền vững.

Với những giải pháp đồng bộ về chính sách và ưu tiên nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn dưới 4,5% năm 2015. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%/năm, đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.

Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. An sinh xã hội được chú ý đảm bảo. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Tuổi thọ trung bình tăng lên, nếu năm 1960 tuổi đời của người Việt Nam trung bình chỉ đạt 40 tuổi, đến năm 2015 đã đạt 73,4 tuổi.

Mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế được củng cố và phát triển, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhiều dịch bệnh đã được khống chế và đẩy lùi, một số dịch bệnh nguy hiểm đã được thanh toán và loại trừ. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra.

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh các mối quan hệ với bạn bè truyền thống, Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Các khuôn khổ đó đã đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác, nhất là các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, ASEAN, EU… phát triển ổn định, mang lại ngày càng nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, quốc phòng, an ninh...

Đến nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ; hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thời gian tới, việc các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...

Cùng với việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Những thành tựu quan trọng sau 30 năm đổi mới, đã tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển.

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về đất nước và dân tộc Việt Nam Anh hùng, mỗi người con đất Việt như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin, vững bước trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hương Thủy
.
.
.