Từ hôm nay, tất cả các công trình, nhà cao tầng phải mua bảo hiểm cháy nổ

Chủ Nhật, 15/04/2018, 07:57
Từ ngày 15-4, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB) chính thức có hiệu lực. Đây được đánh giá là hành lang pháp lý thuận lợi nhằm mở rộng diện tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm mở rộng diện tham gia BHCNBB, có thêm nguồn lực góp nhần bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy được tốt hơn.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa rủi ro, tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy, đẩy nhanh công tác kết quả giám định, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng kịp thời, đầy đủ hơn, giúp cho tổ chức, cá nhân khôi phục đời sống, sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư tốt hơn.

Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP, đối tượng BHCNBB là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền BHCNBB tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Riêng đối với nhà chung cư, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết theo quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện BHCNBB theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định. 

Ngoài việc tham gia BHCNBB theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.

“Thực tế cho thấy, khi gặp rủi ro cháy, nổ, không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. 

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đóng góp từ bảo hiểm cháy, nổ của các doanh nghiệp bảo hiểm trích nộp cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy góp phần không nhỏ vào việc đề phòng hạn chế tổn thất bằng các hình thức vật chất như: hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và hình thức phi vật chất như: hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và BHCNBB”, ông Huyền nói. 

Lệ Thúy
.
.
.