Truyền thông về dân số cần thích ứng linh hoạt

Thứ Năm, 07/09/2017, 10:47
“Giảm thiểu mất cân bằng giới tính để trong vòng 20 năm nữa nam thanh niên Việt không bị… ế vợ, trong đó, công tác truyền thông phải thích ứng linh hoạt”, đó là những thông điệp được lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo "Báo chí với công tác truyền thông Dân số và Phát triển trong tình hình mới”, được tổ chức vào sáng 6-9 tại TP Hồ Chí Minh.


Biến đổi nhanh

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mô hình dân số (DS) Việt Nam được xác lập với những kết quả lớn: Đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; đạt cơ cấu dân số “vàng” tạo lợi thế nguồn nhân lực lao động; quy mô dân số gia tăng trong sự ổn định… Tuy nhiên, song hành với những kết quả tích cực, đến thời điểm này mô hình DS Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức: Tình trạng già hóa dân số tốc độ cao; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng DS chưa “bằng chị bằng em” so với khu vực và toàn cầu.

Cuộc hội thảo sáng 6-9 thu hút nhiều bác sĩ, cán bộ chuyên môn và giới truyền thông tham gia.

Từ năm 2009 tới 2014, khảo sát cho thấy mỗi năm Việt nam tăng 940 ngàn người. Xu hướng giảm sinh rõ ràng đã thể hiện rõ trong suốt 50 năm qua. Ngoài ra, người dân được truyền thông, giáo dục nhiều và trên thực tế đã nhìn thấy rõ lợi ích của gia đình nhỏ.

Nhưng việc đạt được mục tiêu “mỗi gia đình 2 con" một cách vững chắc đã đặt ra câu hỏi: Chính sách trong lĩnh vực DS của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là trọng tâm liệu có còn thích hợp? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào?

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục thuộc Tổng cục DSKHHGĐ (Bộ Y tế) đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng đáng lưu ý. Đó là tình trạng DS Việt Nam đang trong giai đoạn tăng chậm nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Trước đó, thống kê vào năm 2014, Việt Nam có 90,7 triệu dân, là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và thứ 14 trên thế giới.

Mật độ DS đạt 274 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ DS thế giới (53 người/km2). Cơ cấu DS của nước ta đã biến đổi rất nhanh trong vòng 35 năm (từ năm 1979 tới 2014): nhóm từ 0-14 tuổi chiếm 42,55 % (năm 1979), tới năm 2014 giảm còn 23,5%; nhóm tuổi (15-64 tuổi) có 52,23% (năm 1979), sang năm 2014 tăng lên 69,4% và nhóm trên 65 tuổi từ 4,68% (năm 1979) sang năm 2014 là 7,1%.

Theo bác sĩ Phương, khi  tỷ lệ DS trong độ tuổi 15-64 đạt khoảng từ 66% trở lên, tức là khoảng 2/3 DS trong độ tuổi có khả năng lao động, thì người ta nói rằng, đây là cơ cấu DS “vàng”. Theo tiêu chuẩn này, năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn này. Dự báo thì thời kỳ cơ cấu DS “vàng” của nước ta sẽ kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này.

Về cơ bản, cơ cấu DS “vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức. Trước hết là về tạo việc làm. Chất lượng nhân lực lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năm 2014, khảo sát có 10,1% DS có trình độ CĐ, ĐH trở lên và chỉ có 7,9% dân số có trình độ sơ cấp, trung cấp nghề.

Khảo sát vào năm 2014 cũng cho biết, trong số nhân lực lao động, người đang làm việc có khoảng 78% đang làm lao động giản đơn. Trong 23% người có trình độ CĐ, ĐH (tuổi 20-25) thì có 48% trong số này cho biết không hài lòng về công việc, làm trái nghề; 36% phàn nàn lương thấp, và 11% cho biết làm việc quá tải.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hoá DS” vào năm 2011, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng DS và sẽ trở thành nước có “DS già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Kèm theo đó là tỷ lệ dân thành thị thấp và sự di cư DS đang diễn ra khá mạnh, dẫn tới tình xu hướng tích tụ DS vào một số vùng. Đơn cử như: khu vực Đông Nam Bộ, năm 1979 chỉ có 7 triệu người, chiếm 5,7% DS cả nước thì nay, các con số tương ứng là 15,7 triệu dân và 17,4%.

Cũng theo bác sĩ Phương, việc tích tụ DS với mật độ cao là nguyên nhân sẽ dẫn tới tắc ách giao thông, ô nhiễm môi trường, người dân gặp khó khăn về nhà ở, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội, nước sạch, giáo dục, y tế...

Truyền thông linh hoạt

Cũng theo BS Phương, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Theo đó, Việt Nam đã sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Sau 56 năm, Việt Nam đã có xuất phát điểm mới về dân số để thay đổi chính sách, chuyển trọng tâm từ "DS-KHHGD, DS-KHHGĐ-sức khỏe sinh sản" sang "dân số và phát triển”.

Việc chuyển trọng tâm hoạt động không đồng nghĩa với việc xem nhẹ vấn đề KHHGĐ, mà phải duy trì mọi hoạt động liên quan. “Có như vậy thì mới duy trì được các thành tựu, được xem là nền tảng, để "chuyển đường ray con tàu dân số" từ DS-KHHGĐ sang “dân số và phát triển" thành công; trong đó, hoạt động truyền thông giáo dục vẫn là phương tiện cơ bản nhất, dù ở giai đoạn nào”, BS Phương nhấn mạnh.

Với trọng tâm hoạt động “dân số và phát triển”, ngành DS-KHHGĐ cũng đặt kỳ vọng nhanh chóng tìm ra đáp án toàn diện của “bài toán thách thức” trong tình hình hiện nay: Duy trì mức sinh thay thế đã đạt được; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để 20 năm tới thanh niên Việt không bị “ế vợ”, tận dụng tối đa cơ cấu dân số “vàng”, thích ứng với quá trình già hóa dân số. Các thông điệp và mô hình truyền thông giáo dục cần đáp ứng từng giai đoạn cho phù hợp, đổi mới và đúng trọng tâm.

Chẳng hạn như tại khu vực TP Hồ Chí Minh - nơi hiện ghi nhận mức sinh thấp, thông điệp có thể  là: “phải sinh đủ 2 con”, còn ở nơi mức sinh cao, có thể: “phải dừng lại ở 2 con”. Ngoài ra, nội dung truyền thông cần xoay quanh trục an sinh xã hội, chất lượng dân số, đời sống của người cao tuổi, hướng nghiệp và đào tạo nghề…

Huyền Nga
.
.
.