Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí Cách mạng Việt Nam”

Thứ Sáu, 17/03/2017, 19:10
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2017, chiều 17-3, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí Cách mạng Việt Nam”. 


Thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà báo, nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ, hội thảo cũng là hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí Việt Nam, mở đầu cho cuộc nghiên cứu khảo sát sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng bảo tàng báo chí Việt Nam.

Cây viết ngời sáng về đạo đức

Nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ sinh năm 1919 tại Minh Hương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1937, ông đang là học sinh Trường Kỹ nghệ Thực hành ở Huế, do tham gia phong trào cách mạng Tư sản dân chủ nên bị đuổi học.

Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tổng kết hội thảo.

Trong thời điểm này, ông biết bài báo gây chấn động dư luận “Nhiệm vụ thanh niên” đăng trên báo Nước Non ở Hà Nội. Ông từng làm thư ký toà soạn của nhiều tờ báo như Dân, Dân tiến, Tiến tới, Lao động phổ thông, Công luận... Ngoài tên thật, ông còn các bút danh là Phong Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải... 

Tháng 8-1937, ông thoát ly gia đình và được kết nạp vào Đảng. Ông phụ trách công tác tuyên huấn của chi bộ Đảng ở Hội An, sau này từng giữ nhiều trọng trách: Tổng thư ký trong Ban vận động Đông Dương văn sĩ tả phái liên đoàn, Bí thư Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ, chủ bút tờ Báo Mới – cơ quan ngôn luận của Đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ. 

Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và giam ở Trà Khê, Quảng Ngãi. Sau Cách mạng Tháng 8, ông làm chủ bút báo Quyết Thắng của mặt trận Việt Minh Trung Bộ, chủ bút báo Ánh Sáng...

Ngoài ra, ông còn công tác ở nhiều cơ quan báo chí khác như chủ bút tạp chí Thống nhứt, Lá lúa... Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông làm Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Việt Nam, phó chủ nhiệm uỷ ban Liên lạc văn hoá nước ngoài.... 

Ông đã có hai lần vượt Trường Sơn. Lần 1 vào 8/1948, đi cùng phái đoàn trung ương vào Nam của đồng chí Lê Đức Thọ, đi ròng rã trong chín tháng trời. Lần thứ 2 năm 1972, ông trở lại chiến trường miền Nam và đi đến Quảng Trị. 

Tháng 10-1981, tại Đại hội X của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) ở Moskva (Liên Xô), ông được bầu vào đoàn chủ tịch và là phó chủ tịch OIJ. Ông nhận được sáu huy chương về báo chí nước ngoài, trong đó có huy chương Julius Fucik của OIJ “Nhà báo cống hiến cho hoà bình và hữu nghị”...

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập báo CAND dự hội thảo.
Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc cùng tập sách “Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây”

Về nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương nhận định: Lưu Quý Kỳ viết văn, làm báo, viết chuyên luận về văn hoá, văn nghệ, viêt chuyên khảo, bình luận tuyên truyền phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng. 

Ông thực sự là một người đa tài, một người hoạt động sáng tạo đa dạng, vừa mang phẩm chất chuyên nghiệp của một cây viết lão luyện, vừa có sự nghiêm cẩn, sâu sắc của nhà nghị luận chính trị, vừa có cái chất bay bổng, lãng mạn của một nghệ sĩ... 

Nhưng có lẽ, bút ký là thể loại ông viết nhiều nhất, thuận tay nhất và cũng thành công nhất. Các bút ký của Lưu Quý Kỳ mang hơi thở của thời cuộc, bám sát vào sự kiện của đời sống xã hội trong nước và quốc tế. 

Trong mỗi bài viết ông về các sự kiện đó, người đọc hôm nay còn cảm nhận được dòng cảm xúc thôi thúc của tấm lòng sục sôi nhiệt tình cách mạng trào lên ngòi bút, hiện lên trang giấy.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cũng nhấn mạnh: "Khi viết báo chúng ta cần thời sự, sự kiện nhưng cũng cần chất văn. Nhà báo Lưu Quý Kỳ sử dụng nhuần nhuyễn chất báo, chất văn trong tác phẩm...  

Với nhà báo Lưu Quý Kỳ, chúng tôi học nhiều điều,  học cả cái tâm, cái đức, cái tầm, ngọn lửa hun đúc cho thế hệ đi sau. Hội thảo này là dịp để chúng ta học cái tâm, cái tài của ông nhưng cũng là cái tâm, cái tài của thế hệ nhà báo đi trước".

Cây viết giàu “thần lực” của báo chí cách mạng

Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban công tác Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Đi gần trọn cuộc đời, tôi vẫn coi Lưu Quý Kỳ là cây viết giàu “thần lực” với thể tuỳ bút. Hình như tình yêu da diết với dân, với nước, với Đảng và Bác khiến Lưu Quý Kỳ nhập lực thể loại vốn dĩ giao thoa sinh động, uyển chuyển giữa văn và báo, báo với văn để trải lòng mình bằng ngôn ngữ biểu cảm nhất. 

Các đại biểu và gia đình nhà báo Lưu Quý Kỳ sau hội thảo.

Là một nhà chính trị, trách nhiệm cao với công việc được tổ chức giao nhưng văn và báo gắn bện với ông như cái nghề cái nghiệp, như phương tiện tất yếu để làm cách mạng. Bởi thế, tác phẩm nào của ông sáng tạo ra cũng đậm dấu ấn của người truyền tin từ nơi đầu nguồn sự kiện... Ông đã góp phần làm rạng danh báo chí Việt Nam.

Rất nhiều nhà báo cùng thời với nhà báo Lưu Quý Kỳ: Ông Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Vĩnh Trà, nguyên trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động với nhà báo Lưu Quý Kỳ, về sự sáng tạo của ông và ảnh hưởng của bài viết của ông trên cả chiến trường lẫn hậu phương, thậm chí tạo tác động dây chuyền trên cả nước lẫn nhiều quốc gia trên thế giới ...

Nhà báo Lưu Đình Triều, con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ cũng cho biết; "Năm nay là tròn 35 năm ngày mất của ba tôi. Cuộc hội thảo đề cập đến nhiều chuyện, tiếp cận nhiều tư liệu mới, hiểu sâu hơn về người cha của mình, trong đó có nhiều điều mà trước đây chúng tôi chưa hiểu hết...".

Phát biểu tổng kết hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các tham luận, ý kiến đã vẽ lên chân dung một nhà báo cách mạng chân chính, có tâm hồn cao đẹp của nhà văn, nhà báo Lưu Quý Kỳ. 

Rõ ràng, với những đóng góp to lớn của mình nhà báo Lưu Quý Kỳ thực sự là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử hơn 65 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là một tấm gương tiêu biểu cần tuyên truyền và học tập nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Thông qua cuộc hội thảo, các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp còn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam. Đây cũng là những bước đi đầu tiên để góp phần thực hiện cuộc nghiên cứu khảo sát sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu tài liệu cho việc xây dựng bảo tàng báo chí Việt Nam.

Ngọc Nguyễn
.
.
.