Trật tự trên biển dưới góc nhìn của các học giả trong nước và quốc tế

Thứ Ba, 12/09/2017, 10:00

Luật pháp quốc tế và các Bộ Quy tắc khu vực có thể được áp dụng trong việc duy trì và thúc đẩy trật tự trên biển dường như đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Vùng biển châu Á-Thái Bình Dương cần UNCLOS và cần nhiều hơn nữa. 


Đây là quan điểm được TS Lê Đình Tĩnh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đưa ra tại cuộc hội thảo với chủ đề "Hướng tới những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển" do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 12-9.

Từ đây, học giả trong nước và quốc tế đã bàn tới những diễn biến gần đây ở các vùng biển châu Á, đặc biệt là Biển Đông và nhấn mạnh về một "trật tự hiệu quả" nhằm quản lý các vấn đề trên biển.

Đây là hội thảo ba bên lần thứ 2 xung quanh vấn đề trật tự biển được tổ chức tại Việt Nam

Theo ông Abhijit Singh, Viện trưởng Viện Sáng kiến an ninh hàng hải, Tổ chức nghiên cứu quan sát viên (ORF), New Delhi, Ấn Độ, "trật tự trên biển" nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các quốc gia và tầm quan trọng của sự đồng thuận trong quản lý khu vực. Quản lý tranh chấp sẽ giúp các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các mối nguy an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển. Điều đó cũng có nghĩa "các lực lượng hải quân có thể tạo dựng sự tin cậy thông qua các hành động của họ trên biển và các hành động hiếu chiến như của Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm tổn hại tới trật tự trên biển".

Bên cạnh đó, các học giả cũng bàn thảo tới việc phát triển bền vững và các nguồn tài nguyên trên biển, trong đó nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ môi trường biển, tìm ra mối tương quan với các sáng kiến kinh tế xanh.

Về vấn đề này, TS Hà Anh Tuấn, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho rằng, mặc dù có những tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển chồng lấn nhưng các nước trong khu vực vẫn có thể hướng tới một kịch bản đôi bên cùng có lợi bằng việc hợp tác để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường biển ở Biển Đông.
Bản đồ khu vực Biển Đông. Vấn đề Biển Đông cũng được các học giả nhắc đến trong hội thảo

Nhưng để rõ ràng hơn, ông Clive Dow, cố vấn pháp lý, Văn phòng đối ngoại và thịnh vượng chung (FCO) khuyến nghị rằng các quốc gia nên tái tập trung nỗ lực để thống nhất các đường biên giới trên biển, áp dụng tiêu chuẩn điều chỉnh và tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực trọng yếu, bao gồm cả việc chia sẻ dữ liệu khoa học, tình báo và hành pháp. Riêng với vấn đề Biển Đông, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác nhằm duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế là rất quan trọng.

Được biết, đây là hội thảo ba bên lần thứ 2 xung quanh vấn đề trật tự biển được tổ chức tại Việt Nam. 

H.Chi
.
.
.