Tránh tình trạng mỗi ngành, địa phương quy hoạch 1 kiểu
- Trình Quốc hội miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch và 12 Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia
- Không đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường độc đạo theo hình thức BOT
- Đại biểu Trần Quốc Vượng: Cần ngăn chặn tình trạng tay không làm BOT
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay chúng ta có gần 20.000 loại quy hoạch: Từ cấp Quốc gia, cấp vùng, cấp lãnh thổ, cấp ngành, đến cấp huyện, cấp xã… Tuy nhiên do thiếu cơ chế phối hợp, thiếu quy định thống nhất về pháp lý nên các loại quy hoạch này thường bị chồng chéo.
Đơn cử như quy hoạch điện, đường, viễn thông do thiếu thống nhất nên dẫn tới tình trạng đường vừa làm xong hôm trước, hôm sau lại đào lên để thi công đường điện, đường viễn thông… gây lãng phí lớn. Do vậy, cần thiết phải có luật quy hoạch để thống nhất quy hoạch giữa các ngành, các cấp.
Để Luật Quy hoạch khắc phục được những bất cập trong thực tiễn hiện nay và phát huy hiệu quả, đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng, Luật Quy hoạch cần đảm bảo có một quy hoạch quản lý thống nhất thông suốt từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành, các cấp. Hiện nay, chúng ta có nhiều quy hoạch, tuy nhiên để quản lý một cơ sở dữ liệu quy hoạch tập trung, thống nhất trong các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương thì còn nhiều bất cập.
“Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Quy hoạch lần này là chúng ta phải quản lý được cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với tất cả các lĩnh vực, với các ngành, các cấp. Đây cũng là vấn đề cần tranh luận sôi nổi để khi thông qua, khi triển khai thì có điều kiện khả thi để thực hiện”, đại biểu Phan Ngọc Thọ cho biết.
Quốc hội thảo luận về Luật Quy hoạch. |
Cũng nhấn mạnh về tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch, đại biểu Lê Văn Xuân (Cần Thơ) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của các Luật liên quan; hạn chế các nội dung giao Chính phủ quy định để tránh việc ban hành xong Luật vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo công tác rà soát, lập quy quy hoạch, trong đó có những quy hoạch lập lần đầu ngay sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, không nên chờ đến ngày 1-1-2019 Luật có hiệu lực. Bởi, nếu không sớm triển khai sẽ dẫn đến tình trạng khi bước vào thời kỳ chiến lược 2021-2030, các quy hoạch cũ hết hiệu lực trong khi đó quy hoạch mới chưa được lập.
Quan tâm đến quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian từ mặt đất, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm: Theo dự án Luật có thể hình dung 3 lát quy hoạch là vùng trời, mặt đất và từ mặt đất, trong đó lát không gian mặt đất đã được Luật quy định rất nhiều; trong khi đó, nội dung về không gian vùng trời và không gian từ mặt đất xuống tâm trái đất thuộc lãnh thổ quốc gia vẫn chưa được quy hoạch.
Đây là hai khoảng quy hoạch không có dự báo, trong khi việc xây dựng các công trình ngầm sẽ ngày càng phát triển... Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu, bổ sung vào phần giải thích từ ngữ và chương 2 của dự án Luật.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhận định: Dự án Luật mới chỉ quy định chủ yếu về không gian biển quốc gia của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chưa đề cập đến các quy hoạch khác như hàng không dân dụng, hàng không vũ trụ và những vấn đề có liên quan đến vật thể bay nhân tạo, vị trí quỹ đạo không gian, tần số, dải tần, hành lang di chuyển... là chưa công bằng, thiếu sót.
Dự án Luật cần có các quy định về công tác xét xử thi hành án, để sau này nếu có sai phạm liên quan vấn đề vùng trời, mặt đất sẽ có chế tài xử lý.
Băn khoăn về việc quy định tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tại dự án Luật có thể gây ra cách hiểu là có tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi'', đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đặt vấn đề: Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh liệu có phù hợp, khi cấp tổ chức quy hoạch là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh?
Bên cạnh đó, trong dự án Luật chưa thấy việc phân quyền tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập Hội đồng thẩm định và quyết định phê duyệt cấp quốc gia cấp vùng, cấp tỉnh theo những nguyên tắc nào để góp phần nâng cao tính ổn định của quy hoạch, tăng cường vai trò của Quốc hội; tăng cường thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, ''lợi ích nhóm'' trong công tác quy hoạch.
Đại biểu Chuẩn đề xuất cấp quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch phải cao hơn cấp tổ chức lập quy hoạch; cấp nào quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch sẽ có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và thành lập Hội đồng quy hoạch.
Đại biểu cũng đề nghị dự án Luật sửa đổi theo hướng: Về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, việc tổ chức lập quy hoạch của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch là Quốc hội quy định.
Về quy hoạch vùng, tổ chức lập quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch của Chính phủ. Về quy hoạch tỉnh, tổ chức lập quy hoạch là UBND cấp tỉnh; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ...