Mưa to thêm thủy điện xả lũ, nông thôn mới còn 2 bàn tay trắng

Thứ Hai, 02/11/2020, 15:40
“Công trình liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội. Năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời cũng phải xem xét, vì chất lượng không tốt và mặt trái của năng lượng tái tạo rất lớn, nó giống như đồ điện tử” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021. Quan tâm về tình hình ngập lụt ở miền Trung vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân ngập lụt nặng là do các nhà máy thuỷ điện xả lũ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì nói hồ đập thủy điện ở miền Trung xả lũ gây ngập lụt là chưa chính xác.

Thủy điện xả lũ góp phần chống ngập lụt ở miền Trung (?)

Nói về việc phát triển thủy điện và tình hình hồ thủy điện xả lũ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua thực tế kiểm tra, tất cả hồ đập thủy điện ở tại các khu vực đều đảm bảo an toàn cũng như vận hành của hồ đập. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định của pháp luật. “Thủ tướng trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, một số tỉnh Trung Trung Bộ. Qua kiểm tra thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật. Có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương là chưa chính xác” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng các số liệu về tình hình xả lũ của hồ thủy điện Đắk Mi 4 ở Quảng Nam và cho rằng, hồ này có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28/10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu. Do kéo dài xả lũ sang ngày 29-30/10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu dù những vùng có ngập lụt ở miền Trung.

 “Chúng ta phải khẳng định, tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ. Chúng tôi có báo cáo trước mắt về an toàn đập thủy điện, vận hành đập thủy điện và các vấn đề thủy điện trong bảo vệ môi trường” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đề nghị loại bỏ hết quy hoạch thuỷ điện nhỏ

Trong phiên thảo luận ngày 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến cần xem xét vấn đề phát triển thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. “Công trình liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội. Năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời cũng phải xem xét, vì chất lượng không tốt và mặt trái của năng lượng tái tạo rất lớn, nó giống như đồ điện tử” - Thủ tướng cho hay.

Cũng nói về tình hình bão lũ gây thiệt hại ở Quảng Nam vừa qua, đại biểu Phan Thái Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam cho biết, từ thực tiễn bão lũ ở miền Trung, cần phải có đánh giá thật kỹ mọi tác động trong việc xây thuỷ điện, nhất là thuỷ điện nhỏ.

Các cán bộ Công an cứu người trong lũ dữ

Mưa lớn nhiều ngày cùng với việc hồ thủy điện xả lũ khiến miền Trung điêu đứng.

Các nhà khoa học, chuyên gia cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ tác động của việc xây dựng các thủy điện, hồ đập tới tự nhiên, thổ nhưỡng, diện tích rừng, đánh giá cả những tác động thế nào từ việc xây dựng quá nhiều thủy điện nhỏ ở đầu nguồn tới vấn đề sạt lở đất thời gian qua.

“Cần thiết có thể loại bỏ hết quy hoạch một loạt thủy điện nhỏ và vừa mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xây hồ đập, thủy điện trên đầu nguồn, cả một khối lượng nước khổng lồ tích ngay trên đầu như vậy, nguy hiểm vô cùng.  Riêng Quảng Nam bây giờ hơn hồ 40 thủy điện nhỏ và vừa. Mùa hạ cũng lo ngay ngáy vì thiếu nước, mà thiếu nước thì không sản xuất điện được, không thu được đồng nào. Còn mùa mưa thì bất an, nước tràn về bạt ngàn không biết xả đi đâu, thế nên luôn mông lung trong những mối nguy cơ” – đại biểu Phan Thái Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu, vấn đề đặt ra là ảnh hưởng lớn của thiên tai như vừa qua liệu có nguyên nhân từ tình trạng chặt phá rừng, xây các hồ đập… hay không? “Khi xây các hồ đập này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế được 5-10 năm nhưng chỉ cần xuất hiện một trận lũ lớn như vừa qua thì có thể phá hủy toàn bộ. Do đó cần tính toán cái được, cái mất” – đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) nêu quan điểm cho rằng những thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường rừng cứ xâm lấn rừng, thì cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù. Vì người chứ, không vì tiền và cho biết từ Tây Bắc lưu vực sông Đà, lưu vực các con sông, đầu nguồn các con suối đề nghị không trồng rừng kinh tế, thay vào đó là trông rừng môi trường (rừng nguyên sinh) để trả lại lớp thực bì cho rừng. Nó sẽ cản mưa to rất là tốt.

“Mấy huyện của Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng khi mưa to cùng với xả lũ từ hồ Kẻ Gỗ về. Nông thôn mới còn 2 bàn tay trắng” – đại biểu Sùng.

Đại biểu Đinh Duy Vượt  (Gia Lai) cũng đề nghị dừng các thủy điện “cóc” ở Tây Nguyên vì nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả, thậm chí thiệt hại về người.


Phương Thuỷ
.
.
.