Việt Nam - ngọn hải đăng trong phòng, chống dịch COVID-19

Thứ Hai, 17/08/2020, 12:28
Việt Nam trở thành “ngọn hải đăng” trong công tác phòng, chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.


Tính hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam còn thể hiện ở chỗ điều kiện còn khó khăn nhưng đã trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Phản ứng nghiêm túc và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa

Ngay từ ngày 1/2, sau khi có thông tin về COVID-19, Việt Nam đã ngay lập tức khởi động một loạt sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan, như đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Hai tuần sau đó, giới chức y tế cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm dịch 21 ngày tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh đó là cách ly 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh và hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài, cách ly và điều trị những người mắc COVID-19 tại các bệnh viện được chỉ định, xét nghiệm tất cả các trường hợp có nguy cơ và theo dõi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người mắc bệnh. Đối với những người dân khác, mọi người được khuyến khích ở nhà.

Ngoài ra, người dân Việt Nam có tinh thần giám sát cao, chủ động phản ánh những hành động sai trái tới cơ quan chức năng, các hành vi như chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đều bị xử lý. Là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm trước, Việt Nam dường như đã làm cho sự bùng phát dịch bệnh này ở trong tầm kiểm soát.

Những cây “ATM gạo” giúp người dân bớt đi gánh lo trong mùa dịch.

Đánh giá cao các biện pháp chống dịch của Việt Nam, truyền thông quốc tế khẳng định “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu” trong cuộc chiến này và đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ.

Hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh. Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân.

Truyền thông quốc tế cho rằng, “chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một” và rằng, “Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc” đối với đại dịch COVID-19.

Đánh giá Việt Nam là một hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch COVID-19 trong điều kiện hạn chế, truyền thông quốc tế nhấn mạnh tính hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam được thể hiện ở chỗ điều kiện của Việt Nam còn khó khăn nhưng có thể trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Khác với các quốc gia láng giềng giàu có khác ở châu Á, Việt Nam không thể xét nghiệm cho tất cả người dân. Thay vào đó, Việt Nam tập trung vào các biện pháp cơ bản như xét nghiệm có chọn lọc, kiểm soát tình hình và các biện pháp này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những kết quả trên là minh chứng cho thấy, Việt Nam là một ví dụ về việc hành động như thế nào để đối phó hiệu quả đại dịch. Trái với chỉ trích phổ biến của các phương tiện truyền thông phương Tây, thành công của Việt Nam cho đến nay không chỉ đơn giản là một phép lạ.

Chính sách nhân văn, lấy con người làm trung tâm

Những cây “ATM gạo” xuất hiện tại nhiều nơi từ Bắc ra Nam ở Việt Nam nhằm cung cấp gạo miễn phí cho những người gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã phản ánh “tinh thần tương thân, tương ái”, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cao đẹp của người dân Việt Nam. Nghĩa cử ấm áp tình người, bác ái đó đã khiến truyền thông quốc tế ngỡ ngàng và dành không ít lời khen ngợi. Có lẽ vì chúng đã truyền đi cảm hứng và thắp lên hy vọng trong những ngày khó khăn.

Áp phích tuyên truyền chống dịch bệnh COVID-19.

Ca ngợi sáng kiến “ATM gạo” của Việt Nam, truyền thông Mỹ khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện. Nhiều người Mỹ cũng đang thiếu ăn và đang tuyệt vọng mỗi ngày”, “Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất”, “Một chiếc máy phát gạo miễn phí, điều tuyệt vời tưởng như không thể có nhưng lại là sự thật. Những chiếc máy ATM gạo này được lắp đặt trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch COVID-19”, hay “cách làm rất tài tình giữa mùa dịch”… Trong khi đó, truyền thống Tây Ban Nha ca ngợi sáng kiến của Việt Nam là “ý tưởng mới lạ”.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường tài trợ trang thiết bị y tế, chia sẻ kinh nghiệm ngừa COVID-19, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao, là tiền đề cho phát triển kinh tế. “Đại dịch COVID-19 là dịp Việt Nam tăng cường ảnh hưởng mềm, lan rộng tinh thần hào phóng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định.

Ông nói thêm rằng: “Việt Nam sẽ là bên thụ hưởng lớn từ sự đa dạng hóa này vì Việt Nam đã cho thấy sự thân thiện trong khi vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả về kinh tế đối với các công ty của phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tiên khi họ tìm kiểm một đối tác đáng tin cậy. Và đây là thời cơ không thể tốt hơn cho Việt Nam”.

Trong khi đó, học giả quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) Derek Grossman đánh giá cách Việt Nam ứng phó với đại dịch và chính sách ngoại giao đi kèm sẽ “giúp Việt Nam chứng minh vị trí của mình với thế giới”.

Các chuyên gia cũng nhận định “Việt Nam sẽ thắng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi”. Theo đó, thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới, giãn cách xã hội hiệu quả cùng chính sách ngoại giao chiến lược, Việt Nam đã giảm được tác động của đại dịch COVID-19 đến mức tối thiểu. Điều này đã mang tới cơ hội mà nhiều chuyên gia đánh giá là Việt Nam đang nắm chắc trong tay nhằm tiếp tục giữ vững vị thế của một nhân tố toàn cầu đáng tin cậy, có trách nhiệm...


Khổng Hà
.
.
.