Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Thứ Sáu, 29/04/2016, 11:08
Sáng nay, tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khai mạc. Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sau khi nhậm chức.


Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Cùng dự hội nghị còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng;  Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương... và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước…

Không áp đặt “quyền anh, quyền tôi” làm khó doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị. “Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ. 

Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhấn là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế””, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở màn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo Chính phủ không áp đặt “quyền anh, quyền tôi” mà phải tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng mong muốnkKết quả hội nghị phải tạo niềm tin của doanh nghiệp, niềm tin của người dân vào doanh nghiệp, từ đó, người dân, doanh nghiệp mới hăng hái bắt tay vào sản xuất kinh doanh một cách tích cực hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn. “Hội nghị sẽ khởi đầu giai đoạn mới trong đối thoại về thông tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, nhất quán; mở rộng mô hình này trên khắp toàn quốc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro và “gánh nặng” chi phí

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc báo cáo với Thủ tướng, VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN. Theo ông Lộc, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), tuy nhiên, song song với đó cũng có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Ông Lộc phân tích: "Dẫu biết rằng các DNngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tang”.

Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. “Việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khan”, ông Lộc khẳng định.

DN mong Chính phủ sớm tháo gỡ những "rào cản".

Ông Lộc đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn và một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc nhất là rủi ro về chi phí thủ tục hành chính….“Ngày 25-4, Thủ tướng Chính phủ đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, không cho phép các Bộ bàn lùi. Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị Bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng đề nghị tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, doanh nghiệp phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Việt Nam đã đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và sớm hoàn thiện luật về hội để các hiệp hội có chỗ dựa pháp lý vững chắc; thành lập chương trình khởi nghiệp quốc gia do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu. Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, KHCN, công nghiệp…. Về môi trường, đại diện hiệp hội mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…

Ngọc Yến
.
.
.