Tiếp tục đối thoại để giải quyết tồn tại trong khu đô thị Thủ Thiêm

Thứ Bảy, 11/07/2020, 08:27
Hiện thành phố đang phối hợp với cơ quan Trung ương tích cực chuẩn bị cho buổi đối thoại với người dân trong tuần cuối tháng 7 này. Nội dung khiếu nại liên quan đến các chính sách bồi thường ở Thủ Thiêm, ông Hoan khẳng định chính sách bồi thường của thành phố với người dân ở đây là tốt nhất trong tất cả các chính sách đã đã được vận dụng ở khu Thủ Thiêm... 


Thảo luận trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đang tiếp tục gây bức xúc với đời sống, xã hội. Trong đó, nhiều đại biểu HĐND thành phố đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe một phần là do việc cấp phép xây nhà cao tầng ồ ạt ở khiến đô thị bị dồn nén ở các quận trung tâm. Từ đó các đại biểu cũng đề xuất thành phố cần có chế tài thu phí đối với những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng. Đây sẽ là nguồn kinh phí dự phòng để thành phố đầu tư giải quyết các vấn đề về ngập nước và ùn tắc giao thông.

Một vấn đề gây bức xúc đối với người dân vùng ven là việc đầu nậu đất lộng hành trong phân lô đất nông nghiệp, xây dựng trái phép để bán giấy tay cho người dân. Cho rằng có hiện tượng bảo kê của cán bộ cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị thành phố cần xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho người thu gom đất, làm đầu nậu và công khai tên tuổi, kết quả xử lý với các đầu nậu.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định có tình trạng buông lỏng quản lý để đầu nậu lộng hành. “Đầu nậu thu gom đất, phân lô bán lại cho người dân, cuối cùng người bị cưỡng chế, chịu thiệt hại là người dân. Người dân sai đã phải chịu, nhưng trách nhiệm xử lý đầu nậu và trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân là của chính quyền”, bà Tâm nói.

Mật độ nhà cao tầng dày đặc khiến nạn kẹt xe, ngập nước gia tăng.

Nhắc lại tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Tâm khẳng định ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn những vấn đề người dân khiếu nại hàng chục năm nay chứ không phải chỉ riêng vụ người dân ở khu 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Việc giải quyết khắc phục sai phạm ở khu 4,3ha, thành phố thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, song khiếu nại vẫn đang diễn ra ở những khu vực khác của Thủ Thiêm.

Cụ thể là người dân 5 khu phố thuộc 3 phường là An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2 liên tục khẳng định nhà đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng đến nay chưa cơ quan nào có câu trả lời. Cho rằng người dân đang rất trông chờ vào việc giải quyết vấn đề này, bà Tâm đề nghị chính quyền thành phố cần tiếp tục khẳng định rõ khiếu nại của những người dân này đúng sai thế nào.

Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, cho biết, đối với người dân Thủ Thiêm khiếu nại có 3 nhóm nội dung. Về khiếu nại liên quan đến khu đất 4,3ha được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh, hiện UBND thành phố đang thực hiện các giải pháp đền bù, hỗ trợ bổ sung. Dự kiến bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho người dân trong tháng 9-2020 tới.

Về việc người dân cho rằng 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Hoan cho biết việc này Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp với các Bộ, ngành Trung ương và TP Hồ Chí Minh.

Hiện thành phố đang phối hợp với cơ quan Trung ương tích cực chuẩn bị cho buổi đối thoại với người dân trong tuần cuối tháng 7 này. Nội dung khiếu nại liên quan đến các chính sách bồi thường ở Thủ Thiêm, ông Hoan khẳng định chính sách bồi thường của thành phố với người dân ở đây là tốt nhất trong tất cả các chính sách đã đã được vận dụng ở khu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, trong quá trình làm có thể việc xác định loại đất không đúng hoặc xác định thời điểm không đúng. Theo ông Hoan, hiện nay có khoảng 400 - 500 đơn kiến nghị của người dân gửi đến chính quyền và thành phố sẽ đưa ra một gói gồm 10 giải pháp để giải quyết những khiếu nại này.

Trong ngày làm việc 10/7, nhiều đại biểu HĐND thành phố cũng bày tỏ sự đồng tình với việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện và phường, bởi khi không tổ chức HĐND 2 cấp này, tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước; trách nhiệm rõ ràng hơn với người đứng đầu cơ quan hành chính. Đồng thời, cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính Nhà nước.

Thực tế cho thấy, trước đây thành phố đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn, nhưng UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định; quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Việc không tổ chức HĐND 2 cấp này cũng sẽ giúp giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính.

Đ.Thắng
.
.
.