"Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo hoá người dân"
Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2015, cả nước hiện có 27.281.040 ha đất nông nghiệp, chiếm 82,36% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân đang quản lí, sử dụng 15.018.428 ha, chiếm 55,05% đất nông nghiệp cả nước; tổ chức kinh tế đang sử dụng 2.752.614 ha, chiếm 10,09%; các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng 45.221 ha, chiếm 0,14%.
Thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn yếu, trong đó thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất. Số liệu thống kê cho thấy, nguồn gốc đất nông nghiệp ở nông thôn có 40% do Nhà nước giao, 34% thừa kế, chỉ 12% là mua trực tiếp hoặc đấu giá, số còn lại là tự khai hoang.
Nhiều địa phương áp dụng thành công mô hình "cánh đồng lớn" |
Số lượng trang trại cũng đang gia tăng trong thời gian vừa qua. Nếu như năm 2011, số lượng trang trại trên cả nước là 20.048 thì đến năm 2015 là 29.389. Sự gia tăng số lượng trang trại cho thấy tình hình tích tụ ruộng đất đã phát triển tại nhiều vùng miền trên cả nước.
Tuy nhiên, một số quy định về đất đai chưa khuyến khích sự tích tụ đất đai. Điển hình là mức thuế phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 25% (tính theo chênh lệch giữa giá chuyển nhượng trừ đi giá mua) hoặc 2% giá chuyển nhượng và 0,5% lệ phí trước bạ.
"Hiện nay, 90% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình. Chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều địa phương áp dụng thành công mô hình tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cũng có vài nơi thực hiện tích tụ ruộng đất nhưng nhiều năm không sản xuất, đất đai bỏ hoang. Điều này đã xảy ra ở Hậu Giang. Chúng ta cần đánh thuế cao đối với việc bỏ hoang ruộng đất" – Bộ trưởng Hà nói thêm.
Sản xuất manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay rất ít và đang có xu hướng giảm. Năm 2014, có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp thì đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống còn 3.640, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân còn rất thấp, vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn như trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên còn chưa được quan tâm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị |
Theo Phó Thủ tướng, việc tích tụ ruộng đất cần tránh hình thức và làm theo phong trào. Tích tụ phải phù hợp từng vùng, từng khu vực, mỗi địa phương, có nơi hộ cá thể làm tốt nhưng có chỗ cần phải tập trung. Tích tụ cần lấy doanh nghiệp, các hợp tác xã, chủ trang trại…là động lực, vì họ giữ vốn, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Tích tụ ruộng đất cũng phải đi kèm với đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ nhằm tạo nhiều việc làm mới, giảm lao động nông dân.
"Chúng ta cần tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng tránh cực đoan. Làm sao đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người dân. Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo hoá người dân, không làm họ mất việc làm và rơi vào đời sống khó khăn. Chúng ta phát triển đất nước là vì người dân, không vì mục tiêu tăng trưởng mà làm ảnh hưởng tới đời sống người dân. Nguyên tắc đầu tiên của tích tụ ruộng đất là tính hiệu quả. Chúng ta không tích tụ bằng mọi giá" – Phó Thủ tướng khẳng định.