Thủ tướng trăn trở về đời sống đồng bào dân tộc ở Gia Lai

Thứ Bảy, 01/12/2018, 08:22
Chiều 30-11, làm việc với tỉnh Gia Lai, địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trăn trở trước con số về tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.


Cuộc làm việc này diễn ra nhân dịp Thủ tướng đến Gia Lai dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, một ngày hội lớn đối với nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên.

Theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, năm 2018, dự kiến 20/20 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt. Tăng trưởng kinh tế đạt 8%. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng. Thu ngân sách hơn 4.450 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo còn trên 10% (hơn 35.700 hộ), giảm 3% so với năm 2017.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn và bày tỏ “ước mơ tự cân đối được ngân sách, không để Trung ương trợ cấp mãi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai.                 Ảnh: TTXVN

Cho rằng tình hình “gam sáng nhiều, gam tối cũng có”, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉ lệ hộ nghèo của Gia Lai giảm nhanh nhưng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 86,5%, trong đó có làng nghèo 100%. Ngoài ra, Thủ tướng thể hiện sự quan tâm trước tình hình Gia Lai có 4.000ha cây tiêu bị sâu bệnh chết hay giá cà phê giảm, người dân chưa trả được nợ ngân hàng thì “chúng ta phải có chủ trương kịp thời hơn để giải quyết vấn đề đời sống nhân dân bằng cách kiến nghị với Thủ tướng, với Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu nợ, hoãn nợ, giãn nợ để bà con có thể tiếp tục đầu tư làm ăn”.

Đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai, nhất là “ước mơ tự cân đối được ngân sách” trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, tốc độ phát triển của tỉnh còn dưới tiềm năng. Quy mô kinh tế còn nhỏ. Sức cạnh tranh còn thấp. Số lượng doanh nghiệp còn ít. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có một số điểm đáng lưu ý.

Thủ tướng dẫn số liệu khảo sát cho thấy tần suất gánh nặng thanh tra kiểm tra doanh nghiệp tại tỉnh lớn, thiếu sự phối hợp (34% doanh nghiệp cho biết cán bộ thanh kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp khi thực hiện công vụ). “Điều này mong các đồng chí lưu ý chấn chỉnh”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho biết, có đến 81% doanh nghiệp cho biết ở cấp tỉnh có sáng kiến hay nhưng cấp sở, ngành chưa thực thi tốt và thẳng thắn chỉ ra, hiệu quả, hiệu lực thực thi cấp ở cơ sở, ngành, huyện, thị của Gia Lai có vấn đề. Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa thực hiện tốt ở cấp dưới.

Về định hướng thời gian tới, nhắc lại tầm nhìn đối với Tây Nguyên là phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa với chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông-lâm sản, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới, Thủ tướng cho rằng việc đưa tầm nhìn này vào triển khai trong thực tiễn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện khoa học, quyết liệt. Do đó, cán bộ phải giỏi, phải biết làm việc.

Trên tinh thần đó, Gia Lai cần tập trung 3 hướng chính: Kinh tế nông lâm sản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương. Đi liền với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh này. Cần chú ý nông nghiệp hữu cơ cùng với cây công nghiệp là thế mạnh đặc thù của Gia Lai.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất.

Thủ tướng nhấn mạnh, hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Trong phát triển, cần giải quyết đồng thời 4 bài toán: Kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa. Gia Lai cần đóng góp tích cực hơn nữa để phát triển thương hiệu du lịch cao nguyên của Việt Nam, đặc biệt là phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhấn mạnh dân trí quyết định sự phát triển của Gia Lai, Thủ tướng yêu cầu tỉnh có văn bản cụ thể để Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết dứt điểm vấn đề biên chế giáo viên trên tinh thần tổ chức sắp xếp lại và không để thiếu giáo viên đứng lớp cho các em học sinh.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến trước các kiến nghị cụ thể của Gia Lai với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý, quyết ngay một khoản hỗ trợ trích từ dự phòng ngân sách dành cho 1 làng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của Gia Lai mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu ra tại cuộc làm việc để bà con ổn định đời sống.

Trong chuyến công tác tại Gia Lai, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Trọng Đông, 60 tuổi, thương binh 81% và bà Lê Thị Hiến, 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng tại TP. Pleiku.

PV (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.