Thủ tướng phê bình một bộ phận cán bộ cầm chừng, "thiếu lửa"

Thứ Hai, 03/07/2017, 09:49
“6 tháng đầu năm chúng ta đã có những cơ chế, giải pháp đồng bộ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức; cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả...” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017, sáng nay, 3-7.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới tất cả các địa phương trong cả nước, với sự tham dự của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá đúng mức, tương đối chính xác tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của đất nước trong 6 tháng đầu năm; đặc biệt hơn là đưa ra những biện pháp, chủ trương quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã đi đúng một nửa quãng đường, mặc dầu gặp những khó khăn chung trong quốc tế và khu vực nhưng công tác chỉ đạo, điều hành đã đổi mới, quyết liệt… Thủ tướng Chính phủ và tập thể thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết những vấn đề bức xúc…

“Có thể nói cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhiều bộ ngành, địa phương tích cực chỉ đạo triển khai. Doanh nghiệp, người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn. Như một người đi khám bệnh, các chỉ số cơ bản về sức khoẻ đều là chỉ số tốt, có chuyển biến rất đáng mừng. Chính phủ mới đã vượt qua một năm rưỡi nhiệm kỳ, có nhiều tin vui hơn so với 6 tháng cùng kỳ năm 2016” – Thủ tướng nói.

Cụ thể là, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%; tăng trưởng phục hồi mạnh, quý 1 chỉ đạt 5,15%, quý 2 tăng 6,17%. Theo đánh giá của ngành kế hoạch, thống kế và các nhà kinh tế thì rất ngoạn mục, 6 tháng đạt 5,73%. Trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh, khách quốc tế tăng trên 30%; đứng thứ 6 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Tín dụng tăng 8%, cao nhất cùng kỳ trong 6 năm; sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển; xuất khẩu tăng gần 19% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Có nhiều giải pháp đảm bảo nguồn thu, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới bổ sung và góp cổ phần trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%; vốn thực hiện 77 tỷ USD, tăng 65%. Đã có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký với với tổng số vốn trên 600.000 tỷ đồng.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cũng đạt một số kết quả khả quan trên các lĩnh vực văn hoá xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo bền vững… Về đề án phát động toàn dân tham gia BHYT, phấn đấu năm 2020 trên 90% người dân sử dụng BHYT thì đến nay đã đạt 83%. Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – liệt sỹ với nhiều thông điệp cụ thể, hoạt động thiết thực…

Chính trị xã hội ổn định, TTATXH cơ bản được bảo đảm, kỳ thi PTTH tốt, tạo thuận lợi cho mọi gia đình. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực. Ổn định đối ngoại cấp cao, tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước lớn, ký kết thương mại đầu tư đạt hàng chục tỷ USD. Nhiều tỉnh, thành xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt…

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế, khó khăn thách thức:

Trong nông nghiệp, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gia súc gia cầm, nông sản còn khó khăn, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, khai khoáng giảm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí.

Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rời thị trường gần 17%, một số doanh nghiệp hoạt động chờ giải thể, thua lỗ kéo dài. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt gần 30% kế hoạch, gần 36% dự toán Quốc hội giao. Cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; thoái vốn mới đạt 11.000 tỷ/60.000 tỷ đồng kế hoạch đề ra.

Chúng ta còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc tập thể, bất cẩn trong khám chữa bệnh, nợ đọng BHXH, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường, nạn chặt phá rừng, khai tháng khoáng sản trái phép… Trật tự an toàn xã hội một số địa bàn còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT, cháy nổ nghiêm trọng. Nổi lên vấn đề cần quan tâm là nạn phá rừng, “cát tặc” khiến nhân dân lo lắng…

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 5,73%, muốn cả năm tăng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải 7,42%. “Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được. Bởi lẽ các ngành, lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh, xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi. Đánh giá của các tổ chức quốc tế với Việt Nam đều tích cực, đặc biệt là chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc…” – Thủ tướng phân tích.

Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, hành động quyết liệt, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và các địa phương, đặc biệt các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. “Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ, các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung các giải pháp cụ thể để đảm bảo tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực, từng nền kinh tế… Phải có giải pháp vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo phát triển bền vững”.

Bên cạnh đó bàn đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn. Nhất là cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính, người dân và doanh nghiệp còn kêu vấn đề này nhiều. Quan tâm hơn vấn đề xã hội bức xúc như ô nhiễm môi trường, cháy nổ, TNGT, TTATXH…

“6 tháng đầu năm chúng ta đã có những cơ chế, giải pháp đồng bộ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức; cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm” – Thủ tướng đánh giá và đề nghị các địa phương chú trọng tập trung đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả…

Quỳnh Vinh
.
.
.