Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa

Chủ Nhật, 23/12/2018, 16:59
Ngày 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong hơn 2 năm qua.

Cùng dự buổi tiếp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung  ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, năm 2018, Thanh Hóa đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục - 15,16%. GDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD, gấp 1,3 lần năm 2015. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 95.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt 23.500 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế ít nhất là 20%. Du lịch tăng bình quân hơn 14%/năm và năm nay, ngành du lịch của tỉnh đón hơn 8,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 10.620 tỷ đồng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên đoàn công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Thanh Hóa đã phát triển tương đối toàn diện trong 3 năm qua, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ, trước hết là tăng năng lực, quy mô sản xuất. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh, cùng với các bộ, ngành liên quan, dành nhiều công sức để đưa Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD vào vận hành. Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước xu hướng đoàn kết, thống nhất của tỉnh được tăng cường, được khẳng định qua công việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội địa phương. 

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, tăng trưởng của Thanh Hóa vẫn dưới mức tiềm năng. Các doanh nghiệp lớn vào Thanh Hóa còn ít. An ninh trật tự, an toàn xã hội còn bất cập mặc dù gần đây đã khắc phục một bước quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp lớn nhất, quan trọng nhất của Thanh Hóa là đoàn kết thống nhất vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Đây là cội nguồn của sức mạnh.

Tỉnh phải tiến hành công nghiệp hóa mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Phải thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng của Thanh Hóa. “Tại sao không đặt vấn đề sân bay ở đây đón chuyến bay trực tiếp từ nhiều quốc gia, tại sao không xây dựng thành phố sân bay”, Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị với những nhiệm vụ cụ thể này, lãnh đạo tỉnh cần sâu sát hơn nữa.

Thanh Hóa cũng cần giữ màu xanh, nhất là phía tây rộng lớn bằng trồng rừng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Cho rằng yếu tố quyết định là nhân lực và cán bộ, Thủ tướng nêu rõ, trên 2 triệu người trong độ tuổi lao động của tỉnh nếu được đào tạo có tay nghề cao thì sẽ là nguồn lực phát triển rất lớn.

Thủ tướng cũng nhất trí cho rằng Thanh Hóa cần có tầm nhìn “tứ sơn” (Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn, Bỉm Sơn) trong quy hoạch phát triển.

Thanh Hóa không chỉ có Nghi Sơn mà còn có các thế mạnh khác. Vì vậy, cần định định vị TP. Thanh Hóa ở quy mô nào, làm sao phát triển “tứ sơn” thành động lực tăng trưởng.

Thanh Hóa cũng cần đặt ra câu hỏi về tính sẵn sàng của người dân và doanh nghiệp trước cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số.

Cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa phải tốt hơn nữa, Thủ tướng bày tỏ, đây là việc “nói dễ mà làm khó”. Trong đầu tư, Thủ tướng lưu ý, cần bám vào mục tiêu là làm sao người dân hưởng lợi cao nhất. Đi liền với đó là chú trọng xã hội hóa nguồn lực để phát triển.

Thanh Hóa cần quán triệt tinh thần nỗ lực vươn lên về tự chủ ngân sách, có đóng góp cho ngân sách Trung ương khi mà đây là một tỉnh có nhiều mặt dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Bày tỏ xứ Thanh là đất địa linh nhân kiệt, nhiều người tài, anh hùng dân tộc, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược kinh tế quan trọng, Thủ tướng cho rằng, đây là tiềm năng rất lớn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân ở đây phải biết khai thác phát triển, xây dựng xứ Thanh xứng đáng với truyền thống cha ông.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của tỉnh với tinh thần tạo điều kiện cho Thanh Hóa phát triển.

Lãnh đạo Thanh Hóa cho biết, tháng 4 vừa qua, Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Thanh Hóa đã có chuyên làm việc, xúc tiến đầu tư tại Nhà nước Kuwait; Tổng Công ty dầu lửa Quốc gia Kuwait (KPC) và Công ty dầu lửa Quốc tế Kuwait (KPI) rất quan tâm đầu tư giai đoạn 2 dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Tổng kho dầu thô trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện để sớm triển khai dự án tại Thanh Hóa.

Hoan nghênh kiến nghị này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu theo quy định, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

PV
.
.
.