Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM tự chủ số tiền thu được từ cổ phần hóa
Dự buổi làm việc có lãnh đạo 14 bộ, ngành TW; phía TP Hồ Chí Minh có đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, các Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xem xét các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra với TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của cả nước.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích những ưu điểm và các tồn tại, hạn chế cũng như xem xét các kiến nghị của thành phố để có giải pháp xử lý.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm thông tin, nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách TW cấp cho thành phố giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 dự án trọng điểm là 29.512 tỷ đồng, trong đó, dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cần 20.930 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh - Đôi - Tẻ là 8.580 tỷ đồng.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí khoảng 39% số vốn này khiến các dự án khó hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí bổ sung gần 18.000 tỷ đồng cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017-2020 để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài ra, đại diện thành phố cũng kiến nghị được tiếp nhận 200 triệu Euro từ Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ cho các gói thầu đường ray, điện cơ hệ thống và tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Nêu nguyện vọng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án sử dụng nguồn vốn từ CPH DNNN và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác do thành phố làm chủ sở hữu, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, hiện thành phố đã cân đối nguồn thu từ CPH và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với con số khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.
Vì vậy, để thành phố chủ động sử dụng các khoản thu này bố trí cho các dự án đầu tư công mang tính quan trọng, cấp bách nhưng không thể kêu gọi xã hội hóa, thành phố mong được Thủ tướng xem xét, chấp thuận. Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng từ TW để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước… nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. đồng thời kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.960 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của thành phố…
Góp ý với thành phố, lãnh đạo các bộ ngành đều tập trung phân tích tình hình, làm rõ cơ sở pháp lý để có thể hỗ trợ thành phố gỡ vướng về vốn đầu tư.
Tại cuộc họp, Thượng tướng Bùi Văn Nam,Thứ trưởng Bộ Công an nhận xét, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tra khám phá án hình sự cũng đạt kết quả tốt.
Việc giải quyết khiếu nại, đền bù liên quan đến đất đai cũng được thành phố kéo giảm cả số vụ và số người. Công tác phòng ngừa cháy nổ cũng đạt được kết quả tích cực góp phần bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định của thành phố.
Về vấn đề về sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các hạng mục xây dựng ở sân golf trong Tân Sơn Nhất để kiểm tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Hiện Bộ Quốc phòng đang tiến hành thanh tra toàn bộ đất đai đang quản lý trên địa bàn thành phố, ở đâu cần sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng thì giữ lại, phần nào không cần sẽ giao cho thành phố để phát triển kinh tế.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất cho TP Hồ Chí Minh được giữ lại số tiền thu được từ CPH DNNN và thoái vốn từ các DN khác.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những chỉ tiêu thành phố đặt ra rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; việc phát triển của thành phố nếu có trở ngại cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước khi cứ 1% tăng trưởng chung của cả nước thì TP Hồ Chí Minh chiếm 0,21%... do đó, những kiến nghị của thành phố sẽ được TW xem xét cụ thể.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách, tạo điều kiện để thành phố phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý TP Hồ Chí Minh cần quan tâm đến vị trí cạnh tranh của thành phố.
Bởi không chỉ đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố còn là thành phố thông minh, trung tâm tài chính, khoa học kỹ thuật, hướng đến khu tầm vực và toàn cầu. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo thành phố và các bộ, ngành cần phối hợp tập trung gỡ vướng một cách cụ thể, hiệu quả từng vấn đề để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố.