Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23

Thứ Hai, 05/06/2017, 16:55
Sáng 5-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, tổ chức tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.

Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao và đại diện của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.  

Ngoài ra, còn có hơn 500 đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. 

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt, và đề xuất ba nhóm giải pháp chính gồm: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; Giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; và tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế. 

Nhân dịp này, Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm Đổi mới và khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ, như Singapore, nền kinh tế mở, năng động bậc nhất thế giới; Hàn Quốc - "kỳ tích sông Hàn” của châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, một thành viên quan trọng của OECD...

Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức.

Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế.

Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra liên quan đến nhiều vấn đề như Hiệp định TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, chính sách về môi trường, kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng.

Sáng 5-6, tiếp tục chương trình thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt với đại diện một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang quan tâm, đặt vấn đề mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Tại buổi gặp mặt, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và bày tỏ vui mừng vì sự phát triển hết sức tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh trên nền tảng nhiều nét tương đồng về văn hóa, người dân Việt Nam rất tin tưởng vào các nhà đầu tư Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách thân thiện với các doanh nghiệp, vì vậy các nhà đầu tư Nhật Bản cần nhanh chóng hơn nữa trong đầu tư vào Việt Nam. 

T. Anh
.
.
.