Thủ tướng:

Học viện Hành chính Quốc gia cần đi đầu tinh gọn bộ máy

Thứ Tư, 18/10/2017, 16:59
Sáng 18-10, sau khi dự, đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018 của Học viện Hành chính Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Học viện để bàn về định hướng phát triển cũng như giải quyết một số kiến nghị cụ thể.


Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng.

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng đặt vấn đề Học viện nên đi theo mô hình nào tốt nhất.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Học viện báo cáo ngắn gọn, bởi làm hành chính phải nêu đúng vấn đề trọng yếu, then chốt để người nghe thấy việc đó cần thiết, cần quan tâm, chứ kiểu hành chính mà đọc hết báo cáo dài dòng thì người dân không bao giờ nghe cả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Học viện Hành chính Quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan cho biết, Học viện là cơ sở đầu tiên trong cả nước tổ chức đào tạo cử nhân hành chính, thạc sĩ, tiến sĩ quản lý công. Trong quá trình hoạt động, Học viện được chuyển giao nhiều cho cơ quan quản lý khác nhau, thiếu ổn định về cơ cấu, chức năng, tổ chức bộ máy. Là đơn vị sự nghiệp công lập đặc biệt, Học viện thiếu cơ sở pháp lý để hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ.

Các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, Học viện cần tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên về đào tạo quản lý Nhà nước, phấn đấu tầm cỡ khu vực, vươn lên xếp hạng thế giới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nội dung đào tạo của Học viện chủ yếu về kỹ năng. Theo đó, đẩy mạnh mời giảng viên là những người đã và đang làm công tác quản lý, nhà khoa học đầu đàn về thỉnh giảng.

Học viện Hành chính Quốc gia cần nêu gương về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đối với việc xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia để đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, hiện có nhiều mô hình trên thế giới và mô hình Trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) là một hình mẫu có thể nghiên cứu, vận dụng phù hợp với Học viện.

Theo Thủ tướng, trong tương lai, tầm nhìn của Học viện phải hướng ra tầm cỡ khu vực, tuy nhiên, trước mắt là củng cố, xây dựng Học viện vững mạnh để đóng góp vào cải cách hành chính ở Việt Nam.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính, trong đó chú trọng phẩm chất, năng lực cán bộ hành chính khi mà “bây giờ hệ thống của chúng ta có nhiều vấn đề phức tạp, người dân họ kêu, phê bình chúng ta quá”, nên phải đi từ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Làm sao cán bộ phải tận tụy, phục vụ nhân dân, nêu cao phẩm chất, đạo đức, kỹ năng hành chính tốt hơn là vấn đề mà Học viện cần tập trung.

Từ đó, Học viện xác định quy mô, thời gian đào tạo, chương trình cụ thể.

Thủ tướng mong muốn Học viện phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng Học viện phát triển toàn diện, duy trì truyền thống trên tinh thần cải cách đổi mới.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ Học viện phát triển, đặc biệt Bộ Nội vụ là cơ quan chủ quản phải có cơ chế gắn hoạt động nghiên cứu của Học viên với công tác thường xuyên của Bộ khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ các đề án, đề tài, dự án quan trọng về cải cách hành chính.

Về xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Học viện, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần sắp xếp lại bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm phân hiệu, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, có bước đi, lộ trình. Đây là đơn vị sự nghiệp quan trọng của Bộ Nội vụ, có cơ chế đặc thù phù hợp.

Nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục nâng cao đội ngũ giảng viên, tăng giảng viên kiêm nhiệm theo hướng huy động nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang làm việc ở các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia để tham gia giảng dạy.

Đối với nghiên cứu khoa học, một nhiệm vụ quan trọng, thì cần tăng tính ứng dụng vào thực tiễn, tiếp cận những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Đề án nào, chương trình nào mà dân thuận lợi nhất, giải phóng sức sản xuất, người dân có quyền giám sát, phát hiện, làm nhanh nhất về thủ t

ục hay cải cách các mặt khác thì chúng ta phải làm”, Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh, Học viện Hành chính Quốc gia cần đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Học viện trên tinh thần tạo điều kiện tốt đa để Học viện phát triển tốt nhất trong thời gian tới.

Theo baochinhphu
.
.
.