Xây dựng Trà Vinh thành tỉnh kiểu mẫu thích ứng với biến đổi khí hậu
- Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Trà Vinh 2020
- Thủ tướng thăm, chúc Tết tại Vĩnh Long, Trà Vinh
- Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án điện mặt trời 450 MW vào quy hoạch
Ngày 15-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư Trà Vinh. Hội nghị có sự tham dự của 600 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, Trung ương, địa phương, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 ước tính tăng 14,85%, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,58% (chiếm tỷ trọng 31,94%); khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 34,37% (chiếm tỷ trọng 32,45%), dịch vụ tăng 6,94% (chiếm 29,09%).
Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhưng BĐKH sẽ không phải là yếu tố duy nhất sẽ làm thay đổi tương lai. Phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, thông tin và sự kết nối hạt tầng giao thông và giao thương mạnh mẽ cũng là một tác nhân quan trọng làm thay đổi vị thế các địa phương như Trà Vinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc trao chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị. |
Ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế Xanh cho rằng đã đến lúc thay đổi góc nhìn, BĐKH không phải là thách thức mà là cơ hội, động lực phát triển kinh tế theo xu hướng bền vững.
“Khi nước biển dâng, những ngành như đánh bắt khai thác giảm nhưng lại là cơ hội tăng trưởng của những ngành sản xuất như nuôi biển, vận tải. Vậy nên Trà Vinh với những lợi thế sẵn có và tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo và nguồn nhân lực được kết nối có thể tận dụng biến BĐKH thành cơ hội phát triển kinh tế”, ông Lê Thành nhận định. Nếu chọn đúng định hướng, phát triển kinh tế xanh, bền vững thì đến năm 2020, Trà Vinh sẽ là một khu đô thị kiểu mới: xanh, thông minh gắn liền với sản xuất nông nghiệp, hài hoà thiên nhiên, trên nền tảng khoa học kỹ thuật, trở thành điển hình về không gian sống thích ứng cho toàn bộ các tỉnh, thành trong khu vực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề xuất: “Về BĐKH, bản thân vùng Tây Nam Bộ phải tự nghiên cứu và tổng kết mô hình thích ứng. Qua đó, cùng với Cần Thơ thì Trà Vinh có thể trở thành trung tâm nghiên cứu thích ứng BĐKH vùng biển phía Nam của đất nước, bao gồm: đô thị hoá, kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch”.
Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Dự án của Ngân hàng Thế Giới cho rằng, thay vì thúc đẩy sự phát triển đô thị mang dấu ấn môi trường tiêu cực, Trà Vinh có thể hỗ trợ tích tụ và đầu tư vào một thành phố thông minh và bền bỉ, tạo ra một nút tăng trưởng, đồng thời tiếp tục nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng sống, dịch vụ xã hội và bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% sản lượng thuỷ sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu nhưng hơn 2/3 sản lượng này chỉ xuất qua các cảng ở miền Đông Nam Bộ chứ không phải qua các cảng của vùng là bất hợp lý.
Ông Marc Van Bouwel, Phó Chủ tịch Công ty International Port Engineering & Investments Limited (IPEI), đề xuất: “Hiện nay 70-72% sản lượng trái cây của ĐBSCL do thương lái thu mua tại vườn với mức giá thấp và vận chuyển bằng xe tải về Trung Quốc. Phương thức này đang gặp nhiều sự cố về thủ tục hải quan và các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Cảng Định An (Trà Vinh) là lựa chọn thích hợp chuyển đổi và trang bị thành trung tâm logistics cho nhiều tỉnh. Theo tính toán của chúng tôi, vào năm 2025, lượng hàng hoá giao dịch thông qua cảng này sẽ vào khoảng 41,3 triệu tấn”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: năm 2019, Trà Vinh có tốc độ tăng trưởng GDP gần 15%, vào tốp đầu trong cả nước về phát triển. Có thể nói Trà Vinh truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho nhiều tỉnh thành, không chỉ cho ĐBSCL mà còn cho nền nông nghiệp trong bối cảnh có nhiều biến đổi, khó khăn. “Với điều kiện mới, đặc biệt là kinh tế biển, Trà Vinh có thể trở thành một trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước, là một trung tâm chế biến thủy hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất trong nước và quốc tế. Hệ thống cảng biển, cảng sông, với dịch vụ logistics tiên tiến sẽ là quả đấm thép cho sự phát triển của Trà Vinh”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trà Vinh xây dựng mô hình liên kết phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh kiểu mẫu về khả năng thích ứng hiệu quả với BĐKH, khai thác tối đa điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, chủ động với BĐKH hướng tới một nền nông nghiệp, ngư nghiệp giá trị gia tăng cao. Song song đó, Trà Vinh cần xem xét lại quy hoạch các KCN theo hướng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến thủy sản. Điều quan trọng là phải liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng những thương hiệu gắn với địa phương.
“Không đánh đổi môi trường để có nhà đầu tư. Lĩnh vực kinh tế then chốt đối với Trà Vinh là nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đi vào chế biến sâu. Ngoài ra, cần có chiến lược thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái và năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn 5.192 tỷ đồng và ký biên bản ghi nhớ 17 dự án với tổng số vốn đăng ký 43.589 tỷ đồng.