Thứ trưởng Lê Quý Vương: Không để các vụ án kéo dài, gây dư luận phức tạp

Thứ Hai, 25/06/2018, 14:19
"Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp" - Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.


Sáng nay, 25-6, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương (CATW) và Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tham gia thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) với chủ đề: Những kết quả nổi bật trong công tác khởi tố, điều tra, nhất là những kinh nghiệm hay trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương thảo luận tại hội nghị

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác điều tra phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng trong tình hình mới, Đảng uỷ CATW đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh quyết liệt với tội phạm kinh tế và tham nhũng, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là, đã phát hiện, điều tra số lượng lớn vụ án tham nhũng, kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, CQĐT các cấp trong CAND đã thụ lý điều tra 589 vụ, 1412 bị can. Đáng chú ý là số vụ án khởi tố mới năm 2017 tăng 49,6% so với năm 2016; Quý I-2018 tăng 33% số vụ, 18% số bị can so với cùng kỳ năm 2017. Việc phát hiện, điều tra tội phạm đã được quan tâm ở cấp Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó đã nâng cao tiến độ và chất lượng điều tra, nhất là các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương theo dõi, chỉ đạo, về cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án.

Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến Ngân hàng Đại Dương; vụ tổ chức đánh bạc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có liên quan đến cán bộ có chức, có quyền; vụ án Trần Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; đang điều tra vụ Phan Văn Anh Vũ với nhiều tội danh, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp vi phạm đang và sẽ làm rõ.

Toàn cảnh hội nghị

“Việc nhanh chóng kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử và chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án nêu trên đã tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chú trọng và đạt được kết quả tốt hơn; đã thu hồi một lượng đáng kể tài sản cho nhà nước. Trong năm 2017 các CQĐT đã thu hồi cho Nhà nước 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2016. 

Điển hình vụ Ngân hàng Đại Tín thu hồi và kê biên 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á thu hồi 1.000 tỷ đồng; vụ tổ chức đánh bạc do Công an tỉnh Phú Thọ đã thu hồi bước đầu hơn 1.000 tỷ đồng; kiến nghị Ngân hàng Hàng Hải kịp thời thu hồi 7.300 tỷ đồng cho vay có dấu hiệu dễ bị thất thoát…

Công tác phối hợp liên ngành Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, công tác nội chính chặt chẽ hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ án điểm. Các CQĐT của Bộ Công an đã chủ động phối hợp để Viện Kiểm sát, Toà án các cấp sớm tiếp cận hồ sơ, tài liệu liên quan, thống nhất quan điểm về chứng cứ và tội danh, kết luận điều tra, đưa ra truy tố, xét xử đúng tiến độ.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, qua thực tiễn công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, Đảng uỷ CATW nhất trí với báo cáo của BCĐ, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng:

Một là, việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là của BCĐ Trung ương về PCTN và cấp uỷ các cấp. Do tính chất phức tạp, nhạy cảm của các vụ án kinh tế, tham nhũng, việc xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ đảng về biện pháp giải quyết, đường lối xử lý, đảm bảo yêu cầu chính trị và pháp luật, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp, nảy sinh, huy động sự vào cuộc của các cơ quan có liên quan là yếu tố có tính quyết định cho kết quả phòng ngừa, phát hiện và điều tra các vụ án.

“Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là BCĐ Trung ương về PCTN do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban với quyết tâm chính trị rất cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan tư pháp trong đấu tranh PCTN” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Hai là, phải có quyết tâm chính trị cao, dám chịu trách nhiệm, xây dựng kế hoạch điều tra và các giải pháp, bước đi phù hợp theo đúng phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là: “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”. Những vấn đề phức tạp khác cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và được điều tra xử lý trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án. Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp.

Các đại biểu dự hội nghị

Ba là, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện công tác chuyên môn, lựa chọn những vấn đề nổi cộm để triển khai biện pháp nghiệp vụ điều tra, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức bố trí lực lượng điều tra đủ về số lượng và năng lực để đảm bảo tiến độ điều tra từng vụ án cụ thể. Các vụ án kinh tế cần chú ý về hoạt động tài chính để phát hiện, chứng minh hành vi tham nhũng và kịp thời phong toả, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng.

“Như trong vụ án tại Vinashin tìm theo dòng tiền đã phát hiện Giang Kim Đạt tham ô 260 tỷ đồng rồi chuyển vào 22 tài khoản mang tên bố đẻ là Giang Kim Hiền để mua 40 bất động sản và các tài sản khác. Đồng thời phải kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm qua từng vụ án để hướng dẫn cụ thể và phổ biến các kinh nghiệm tốt”, Thượng tướng Lê Quý Vương lấy ví dụ.

Thứ 4, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng thành lập các tổ công tác liên ngành khi cần thiết để trao đổi, nắm bắt kết quả, tiến độ và thảo luận, tháo gỡ vướng mắc, nảy sinh trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; hạn chế điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần. Đồng thời tranh thủ ý kiến hướng dẫn phối hợp của các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng, Thanh tra, Kiểm toán; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan truyền thông, không để các đối tượng xấu xuyên tạc, gây mất ổn định về chính trị kinh tế, xã hội…

Từ 16/12/2015 đến 15/3/2018 riêng CQĐT của Bộ Công an đã thụ lý điều tra 35 vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp với 359 bị can, đã kết luận điều tra 21 vụ, 273 bị can; xét xử 13 vụ, 192 bị can. Bộ Công an đã tăng cường lực lượng điều tra, trinh sát, kết hợp chặt chẽ các biện pháp thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ để giải quyết nhiều vụ án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, nhiều vụ xảy ra từ các năm trước, đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.



Quỳnh Vinh
.
.
.