Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng: Băn khoăn vấn đề kiểm soát quyền lực

Thứ Ba, 18/09/2018, 17:10
Ngày 18-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 27 cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Theo Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận

Văn phòng chung thực hiện toàn diện nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện có hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

 “Về số lượng dự kiến đưa vào thực hiện thí điểm khoảng 10 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1-1-2019 đến ngày 31-12-2019” – Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.

Đề án đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Kể từ năm 2020, số lượng Phó Chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không quá 5 người. Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp và Trưởng Đoàn ĐBQH.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định tán thành với sự cần thiết ban hành Đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên UBPL cho rằng, các quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan đang được sửa đổi theo hướng tăng cường sự chủ động cho các địa phương, cơ quan được tự quyết định trên cơ sở “khoán cấp phó”. Việc Đề án và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định cứng kể từ năm 2020 số lượng Phó Chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4; đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không quá 5 là chưa thật sự hợp lý.

“Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH chỉ nên xác định số lượng cấp phó của Văn phòng sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có và giao cho địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó Chánh Văn phòng theo quy định chung” – Chủ nhiệm UBPL nêu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình 

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, khi hợp nhất 3 cơ quan này thì bộ máy, biên chế sẽ được sắp xếp tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính trị thì ông băn khoăn về vấn đề kiểm soát quyền lực.

“HĐND hiện nay đã làm đúng chức năng chưa? Giám sát quyền lực ở địa phương đã thực hiện tốt chưa? Với cơ chế này chúng ta có đủ kiểm soát quyền lực hay không?” – ông đặt vấn đề, đồng thời cho biết một lãnh đạo tỉnh từng nói, dù có HĐND nhưng rất khó để giám sát được UBND.

“Đại biểu cấp tỉnh sao dám nói, dám chất vấn Giám đốc Sở? Kiểm tra hay giám sát cũng văn phòng này, Chánh Văn phòng có vượt qua được lãnh đạo tỉnh không? Có phải nhập vào sẽ thực hiện tốt hơn không?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phân tích. Ông đề nghị cần tổng kết, đánh giá khi kết thúc thí điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc hợp nhất 3 Văn phòng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, tiếp kiệm được ngân sách, vì giảm được biên chế, giảm được cán bộ lãnh đạo. Song ông đề nghị chú trọng hiệu quả hoạt động khi hợp nhất và phải chú ý công tác tư tưởng, giải quyết tâm tư của cán bộ, công chức.

“Chúng ta từng nhập nhiều Sở, như Nông lâm-Thuỷ lợi; Văn hoá-Thể thao-Du lịch. Mất 3-5 năm làm công tác tư tưởng, điều chuyển rất khó. Thường khi tách ra ai cũng phấn khởi vì có thêm cơ hội được lên chức, còn nhập vào nhiều người rất tâm tư” – ông Hải nêu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc sáp nhập 3 Văn phòng là cần thiết, nhưng Nghị quyết của Đảng có 1 câu nên làm rõ, đó là chỉ nên sáp nhập thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện. “Điều quan trọng là đề án phải giải thích được như thế nào là đủ điều kiện, 10 địa phương đưa vào lần này có đủ điều kiện hay không, tiêu chỉ cụ thể như thế nào?” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị sau phiên họp này Cơ quan soạn thảo gửi xin ý kiến bằng văn bản các nội dung còn ý kiến khác nhau. Sau đó Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra phối hợp hoàn chỉnh Đề án và Dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi ký ban hành.


Quỳnh Vinh
.
.
.