Thanh tra Chính phủ: 3 tháng phát hiện được 4 vụ tham nhũng

Thứ Năm, 14/04/2016, 15:10
Quý I/2016, ngành Thanh tra đã phát hiện 4 vụ với 6 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ với 5 đối tượng.


Ngày 14-4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố kết quả công tác quý I/2016. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chủ trì.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong quý I/2016, ngành Thanh tra đã phát hiện 4 vụ với 6 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ với 5 đối tượng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chủ trì họp báo .

Qua điều tra tội phạm, cơ quan chức năng khởi tố 24 vụ, 39 đối tượng có hành vi tham nhũng. Đáng chú ý, trong quý I/2016, có 1 trường hợp người đứng đầu cơ quan bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Trả lời báo chí về lý do 3 tháng vừa qua phát hiện được 4 vụ tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng nhưng Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng, được sự ủy quyền của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ cho biết: "Hành vi tham nhũng rất đa dạng, phức tạp. Tham nhũng thể hiện ở nhiều góc độ…Từ phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, đến chứng minh được việc làm sai đó có gây thiệt hại tài sản và thiệt hại bao nhiêu thì mới đưa ra được kiến nghị thu hồi ”. Vì vậy Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục xác minh để có kiến nghị thu hồi cụ thể.

Ông Phạm Trọng Đạt cũng đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng của ta đã có tiến bộ nhưng vẫn còn diễn tiến phức tạp, nhất là nạn tham nhũng vặt. Tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ tổng kết luật Phòng, chống tham nhũng sau 10 năm thực hiện, từ đó sẽ chỉ ra bằng được những vấn đề còn bất cập của luật, cái gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao và phương pháp tới là gì.

Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phóng viên báo chí đặt câu hỏi về việc xử lý thu hồi đối với khối tài sản tham nhũng lớn ở Singapore liên quan đến vụ án Giang Kim Đạt. Đại diện Cục tham nhũng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì và điều tra, xử lý vụ việc này.

Thanh tra Chính phủ là đơn vị phối hợp mang tính chất là đơn vị quản lý nhà nước tập trung. Do chức năng nhiệm vụ theo quy định, Thanh tra Chính phủ không trực tiếp điều tra. Tuy nhiên, như thông tin Thanh tra Chính phủ nắm được, hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng Singapore và được nước bạn rất ủng hộ để cùng góp phần xử lý vấn đề tội phạm tham nhũng mang tính quốc tế này.

Về vấn đề kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt đánh giá đây là một trong những biện pháp để quản lý về tài sản của đối tượng có nguy cơ tham nhũng, nhất là quan chức càng cần phải kê khai. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản hiện nay vẫn còn mang nặng tính hình thức, có kê nhưng chưa công khai, kê khai nhưng không có thẩm tra xác minh cho nên nhiều người còn kê không trung thực.

Ông Đạt khẳng định “Tới đây Luật Phòng chống tham nhũng sẽ sửa việc kê khai tài sản theo hướng thu gọn đối tượng kê khai. Đã kê là phải công khai, còn công khai ở mức độ nào thì sẽ tính toán và phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai đó. Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng hiện xã hội nước ta chủ yếu còn tiêu dùng bằng tiền mặt, vì vậy rất khó để quản lý được thu nhập bên ngoài, khó chứng minh được nguồn thu nhập đó đến từ tham nhũng hối hộ, dẫn đến khó chống tham nhũng tốt được.

Trả lời báo chí, giải thích tại sao chỉ trong 6 tháng gần đây, Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển tới 35 cán bộ, trong đó có 11 cán bộ cấp vụ, 24 cấp phòng, ông  Ngô Văn Cường – Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Thanh tra Chính phủ  xác nhận và khẳng định việc bổ nhiệm này được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu công tác của Thanh tra Chính phủ.

Ông Ngô Văn Khánh một lần nữa khẳng định việc bổ nhiệm, luân chuyển trên là đúng quy định, không có chuyện bất thường, việc luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cùng lúc như vậy là do giai đoạn cuối các cán bộ được bổ nhiệm mới hội đủ các điều kiện nên xảy ra sự "dồn tích”. 

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn ngành đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351,4 tỷ đồng và 1.973,5 ha đất, trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 731,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; ban hành 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 642,7 tỷ đồng.

Tâm Phạm
.
.
.