Thành quả ASEAN được “thử lửa” bởi những thách thức chưa từng thấy

Thứ Tư, 09/09/2020, 09:09
Đây là nhận định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) diễn ra sáng 9/9, theo đó khẳng định AMM-53 là minh chứng cho việc ASEAN “đang điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới, vững vàng, gắn kết cùng vượt khó khăn, thử thách”.


Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là năm nhiều cảm xúc. ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, Cộng đồng hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vị hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Những thành quả đáng trân quý ấy đang được thử lửa trong môi trường đầy biến động, với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát dịch COVID-19.

Khẳng định “thương hiệu” ASEAN

Theo Thủ tướng, gắn kết và chủ động thích ứng không chỉ đơn thuần là chủ đề của 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, giúp ASEAN tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên.

“Thương hiệu” đó được khẳng định rõ trong 8 tháng qua, thể hiện qua cam kết ở cấp cao nhất, lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 và tháng 6/2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Đó cũng là nỗ lực của các trụ cột Cộng đồng hợp tác, mở rộng liên kết, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.

“Nhân dịp này, tôi khen ngợi các cơ quan của ASEAN đã đưa cả hệ thống và bộ máy vào cuộc, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, người dân ổn định đời sống. Những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó COVID-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể đã và đang vừa giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh, vừa là chất keo gắn kết các nước thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng đồng thời đánh giá cao Tuyên bố chung dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, theo đó cho rằng các Bộ trưởng Ngoại giao đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng lòng tin và cùng nhau hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên luật lệ.

Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng cao. Là Chủ tịch ASEAN, vừa qua, tôi đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20, Hội nghị Phong trào Không Liên kết, Hội nghị đại hội đồng của Tổ chức y tế thế giới WHO/LHQ về Ứng phó dịch COVID-19 và đã chuyển tải thông điệp của ASEAN, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức mang tính toàn cầu này. Tôi hoan nghênh Ngài Tổng thư ký ASEAN lần đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Bảo An LHQ thể hiện hợp tác, cam kết và đóng góp của ASEAN với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của Liên Hợp Quốc”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi hậu COVID-19

Chỉ còn 4 tháng nữa năm 2020 sẽ khép lại, thời gian không còn nhiều, dịch bệnh còn rất phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại quá sức; môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực, trong có cả Biển Đông, đang có nhiều biến động ảnh hưởng hòa bình, ổn định. Để tiếp nối những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan tâm thúc đẩy ba ưu tiên chính.

Một là, tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, bộ máy ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.

Hai là, tập trung đẩy lùi dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững. Trong đó, Thủ tướng đề nghị sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó COVID-19 và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN. Nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp, địa phương khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết các tiểu vùng trong đó có Mekong, với phát triển chung của ASEAN...

Ba là, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như TAC, DOC.

“Trong môi trường khu phức tạp hiện nay, ASEAN cần tiếp tục thể hiện đoàn kết, kiên định với con đường và phương cách của mình trong hơn 5 thập kỷ, đúng với tinh thần Tuyên bố ngày 8/8 vừa qua. Chúng ta tiếp tục phát huy những giá trị, bản sắc của ASEAN, đó là chất keo gắn bó người dân các nước thành viên trong tình thân ái, sẻ chia, gắn kết như hình ảnh bó lúa vàng trên nền xanh Lá cờ ASEAN thể hiện niệm tự hào của người dân ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng đồng thời nêu rõ, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam cũng trùng với mốc kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Từ đó, Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và trông đợi sự ủng hộ và hợp tác từ các bạn để có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

An Nhiên
.
.
.