TP Hồ Chí Minh nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở

Chủ Nhật, 15/03/2020, 10:33
Trước dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến khó lường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, phường xã, thị trấn nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đề xuất các biện pháp thích hợp đảm bảo an toàn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được công bố; tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch đối với danh mục các vị trí sạt lở đã được công bố; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh; tổ chức thực hiện quy trình nhắn tin cảnh báo thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn Thành phố biết để chủ động phòng, tránh khi có thiên tai xảy ra; vận hành điều tiết, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình, phòng chống úng ngập cho hạ du và nhiệm vụ cấp nước của hồ Dầu Tiếng…

Bộ Tư lệnh Thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai; từng bước đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt từ cấp Thành phố đến cấp quận - huyện và phường - xã, thị trấn trong mọi tình huống thiên tai, sự cố tai nạn có thể xảy ra.

UBND Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển Cần Giờ; tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo đúng các yêu cầu kỹ thuật quy định…

UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp.

Riêng UBND các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai đã có chủ trương của UBND Thành phố; phối hợp với chủ đầu tư các dự án tiêu thoát nước, chống ngập đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để dự án sớm được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng (đường, cầu cảng, nhà quản lý, nhân sự) phục vụ cho công tác quản lý Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi cho tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão; nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên đang khai thác thủy sản trên sông, trên biển của địa phương để kịp thời hướng dẫn phòng, tránh an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra.

Trong năm 2019, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy và mưa giông, có 6 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III), 3 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Thiên tai đã làm tốc mái, hư hỏng 7 căn nhà, ngã đổ hơn 200 cây xanh; gây sạt lở trên 330m² diện tích đất và 36m kè đá.

H.Tuấn
.
.
.