Tháng Tư trên quê hương Đại tướng Lê Đức Anh

Thứ Sáu, 26/04/2019, 08:17
Nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam qua đời, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều tiếc thương vô hạn đối với nhà lãnh đạo tài năng, vị tướng tài ba đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam…

Những ngày này, người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, ai cũng nhắc đến ông trong niềm xúc động khôn nguôi. Chúng tôi về xã Lộc An, đến thăm nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được đưa vào hoạt động cách đây tròn 7 năm, anh Lê Hữu Đức (cháu nội ông Lê Hữu Độ, là anh ruột Đại tướng Lê Đức Anh) mắt đỏ hoe khi giới thiệu các tài liệu, tranh ảnh, kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh.

Anh Đức nghẹn ngào nói rằng, thường ngày, có rất đông các em học sinh đến nhà văn hóa và thư viện để vui chơi và tìm đọc những cuốn sách viết về Đại tướng. Vì vậy, nơi đây cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” bồi dưỡng niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương Lộc An, tự hào về Đại tướng Lê Đức Anh cho thế hệ trẻ…

Không chỉ riêng anh Đức, người dân thôn Bàn Môn và xã Lộc An khi hay tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, đều không giấu được xúc động, tiếc thương. Cụ ông Trần Đình Hàng (85 tuổi), có nhà cạnh nhà văn hóa và thư viện kể rằng, từ ngày đất nước giải phóng, Đại tướng đã có nhiều lần ghé về thăm quê hương và bà con làng xóm.

Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An

“Còn nhớ vào năm 2012, khi Đại tướng Lê Đức Anh và gia đình về quê dự lễ khánh thành nhà văn hóa, thư viện, tôi may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Và lúc nào cũng vậy, Đại tướng luôn gần gũi, dễ mến và ông không quên thăm hỏi tình hình cuộc sống, công việc làm ăn của bà con ở quê hương. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi…”, cụ Hàng bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, bày tỏ rằng, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đặc biệt là sự động viên, khích lệ của Đại tướng Lê Đức Anh, thời gian qua, cán bộ và nhân dân xã Lộc An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, xã Lộc An có 3.078 hộ dân, hơn 14.000 nhân khẩu chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp.

Người dân Lộc An thương tiếc khi nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời.

Từ một xã nghèo, song với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ dám làm nên đến nay, thu nhập bình quân của người dân Lộc An đã đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Trong năm 2018, xã đã quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn đưa vào sản xuất lúa với tổng diện tích 1.466ha, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 9.400 tấn.

Ngoài ra, người dân Lộc An còn vận dụng vị trí địa lý để phát triển 175ha rừng, 72ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế phát triển đã giúp con em ở Lộc An được tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, mỗi năm xã có từ 50-60 em thi đỗ vào các trường đại học.

Đặc biệt, tháng 9-2018, xã đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới khi đạt 19/19 tiêu chí. Đây chính là động lực để cán bộ và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công cách mạng.

Ông Nguyễn Bùi nhớ lại, trong một lần về thăm quê hương vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh ghé thăm UBND xã Lộc An. Lúc đó, sức khỏe Đại tướng cũng đã yếu, đi phải có người dìu. Buổi ghé thăm của Đại tướng kéo dài chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Nhưng, trong chừng ấy thời gian, Đại tướng đã dặn dò các cán bộ xã rằng, quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn nên cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được. Có như thế thì đời sống của nhân dân mới thoát nghèo đi lên…

Đến hôm nay, sự giản dị, gần gũi của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn lưu giữ trong tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ xã Lộc An. Ghi nhớ lời căn dặn ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An không ngừng ra sức, nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế để đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương.

Và xã Lộc An, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, vùng quê nằm bên dòng sông Truồi nổi tiếng đi vào nhiều tác phẩm thơ ca bất hủ, đã có nhiều thay da, đổi thịt, khởi sắc phát triển từng ngày...

Anh Khoa
.
.
.