Đại tướng Lê Đức Anh, người con ưu tú xứ Huế, nhà lãnh đạo tài năng

Thứ Tư, 24/04/2019, 08:35
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng, nhà lãnh đạo tài năng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sự ra đi của Đại tướng là niềm thương tiếc vô hạn đối với người thân, đồng chí, đồng đội và toàn thể nhân dân Việt Nam.


Tháng 4 lịch sử, chúng tôi men theo dọc đường ven sông Truồi trong xanh tìm về thôn Bàn Môn, xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế), quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. 

Nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, nhân dân cả nước nói chung, người dân xứ Huế nói riêng, đặc biệt là người dân ở thôn Bàn Môn, nơi Đại tướng từng nhiều lần ghé thăm đã không khỏi xúc động, tiếc thương về ông.

Con đường dẫn về xứ Truồi, xã Lộc An, quê hương nguyên Đại tướng Lê Đức Anh.
Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An.

Dẫn chúng tôi vào thăm nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được đưa vào hoạt động cách đây tròn 7 năm mà anh Lê Hữu Đức, cháu của Đại tướng Lê Đức Anh (ông nội anh Đức là Lê Hữu Độ, anh ruột Đại tướng Lê Đức Anh) xúc động kể lại nhiều câu chuyện về Đại tướng. 

Theo anh Đức, không gian nhà văn hóa, thư viện này chính là nơi để trưng bày các tài liệu, tranh ảnh, kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Thường ngày, có rất đông các em học sinh đến đây vui chơi và thích thú tìm đọc những cuốn sách viết về Đại tướng.

Vợ chồng ông Trần Đình Hàng và bà Hồ Thị Tám bùi ngùi thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh khi hay tin ông qua đời vào tối 22-4.

Ở gần bên nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh nên khi hay tin Đại tướng qua đời, vợ chồng ông Trần Đình Hàng (85 tuổi) và bà Hồ Thị Tám (81 tuổi) không giấu được sự xúc động, tiếc thương. 

Ông Hàng kể: “Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Đại tướng đã nhiều lần ghé về thăm quê hương và bà con làng xóm. Còn nhớ vào năm 2012, khi Đại tướng Lê Đức Anh và gia đình về quê dự lễ khánh thành nhà văn hóa, thư viện được xây dựng tại đây, tôi may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Và lúc nào cũng vậy, Đại tướng luôn gần gũi, dễ mến và người không quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm ăm của bà con ở quê hương. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi…”.

Người dân thôn Bàn Môn, xã Lộc An kể lại những câu chuyện khi Đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần về thăm quê hương.

Về xã Lộc An hôm nay, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh mới thấy được sự khởi sắc ở vùng quê nằm bên dòng sông Truồi nổi tiếng đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca bất hủ. 

Bí thư Đảng ủy xã Lộc An Nguyễn Bùi cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đặc biệt là sự động viên, khích lệ của Đại tướng Lê Đức Anh nên cán bộ và nhân dân Lộc An nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xây dựng, phát triển kinh tế địa phương. 

Đặc biệt, tháng 9-2018, xã đã được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới khi đạt 19/19 tiêu chí. Đây chính là động lực để cán bộ, nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công cách mạng.

Anh Lê Hữu Đức, cháu của Đại tướng Lê Đức Anh bên trong nhà thờ của gia đình Đại tướng ở thôn Bàn Môn.

Ông Nguyễn Bùi nhớ lại, trong một lần về thăm quê hương vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đột ngột ghé vào UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc tại đây. Lúc đó, sức khỏe Đại tướng cũng đã yếu, đi phải có người dìu. 

Buổi ghé thăm của Đại tướng kéo dài chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Và trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi, Đại tướng đã dặn dò các cán bộ xã đủ điều. Đến tận hôm nay, sự giản dị, gần gũi của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn in trong tâm trí của ông Bùi và nhiều cán bộ xã Lộc An. 

Ông Bùi nhớ lại lời Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn nhưng tôi đã lớn tuổi rồi, đã về hưu và không giúp gì được. Vì thế, cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được. Có như thế thì đời sống của nhân dân xã nhà mới thoát nghèo đi lên!”.

Ghi nhớ lời căn dặn ấy, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An đang từng ngày ra sức, nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế để đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ngày càng giàu đẹp.

Một số hình ảnh được đặt trang trọng tại nhà thờ của gia đình Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn:

Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân Võ Thị Lê, năm 1997.
Hai cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2000).
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ khánh thành nhà văn hóa, thư viện của Đại tướng ở thôn Bàn Môn.
Hai cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đỗ Mười và Lê Đức Anh trong ngày đầu Xuân Canh Thìn - 2000.
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người chỉ tay) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền tại căn cứ Tà Thiết, năm 1971.
Trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền (người chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (người ngồi bên phải Trung tướng Trà) trong cuộc họp Bộ Chỉ huy miền tại căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1972.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế, quê gốc của ông ở xứ Truồi, thôn Bàn Môn, xã Lộc An. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan đã hun đúc trong ông lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. 

Thuở còn trẻ, ông hoạt động trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc; tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia vào quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tôi luyện ý chí và tài năng, giúp ông không ngừng trưởng thành. Ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4-1975…

Từ năm 1976 đến 1980, ông được giao giữ các chức vụ Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; năm 1980 ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Ngày 29-6-1981, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. 

Đến năm 1982, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V bầu vào Bộ Chính trị; năm 1984 ông được thăng quân hàm Đại tướng và giữ các trọng trách của Quân đội như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986); Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987). 

Ngày 23-9-1992, Quốc hội khóa IX đã bầu Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước. Đến tháng 4-2001, sau khi thôi chức vụ Ủy viên Ban Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh nghỉ hưu. Đại tướng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhấ, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. 

Năm 2018, Đại tướng được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng nỗ lực làm tròn nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Anh Khoa
.
.
.