Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ

Thứ Sáu, 14/09/2018, 15:44

“Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm” – Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.



Đó là kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp (UBTP) tại Phiên họp thứ 27 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), chiều 14-9.

Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm

Trình bày báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác PCTN năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

PCTN đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên. “Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm”, ông Khái nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Từ những kết quả đã đạt, dự báo thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế. Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. “Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp”, Tổng Thanh tra thông tin.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. “Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương…

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, năm 2019, Chính phủ đề ra một loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga

Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN. “Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm” – Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN...

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hạn chế

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận định, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN và đề ra các giải pháp khắc phục. UBTP nhận thấy, năm 2018 số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/hơn 1,1 triệu người đã kê khai. Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm. “Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định… nhưng chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm đã cho thấy việc tổ chức thực hiện còn hình thức, nhiều hạn chế”, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý (giảm 10 người so với năm 2017), tuy nhiên việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Toàn cảnh phiên họp

“Mặc dù Luật PCTN đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…” – bà Nga nêu.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý. UBTP cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Qua thẩm tra, UBTP đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là đất đai, nhà tại các tỉnh, TP trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế” – Chủ nhiệm UBTP nhấn mạnh.

Cơ quan điều tra trong CAND thụ lý 378 vụ án tham nhũng

Năm 2018, Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra 186 vụ, 432 bị can. 

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 233 vụ/553 bị can; đã giải quyết 215 vụ/510 bị can, đạt tỷ lệ 92,3 %. TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo (giảm 9,2% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 157 vụ, 398 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỷ đồng, trên 12.000m2 đất, đã thu hồi trên 2.200 tỷ đồng và nhiều tài sản.



Bảo Quân
.
.
.