Tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng công tác khen thưởng

Thứ Tư, 27/02/2019, 07:28
Sáng 26-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp của Hội đồng, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Hội đồng


Sau khi các thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp. Thủ tướng đánh giá, công tác thi đua - khen thưởng năm qua kịp thời và truyền thông hiệu quả, đóng góp quan trọng vào kết quả tích cực, toàn diện của đất nước năm 2018. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, cách thức tổ chức trang trọng, thiết thực, tạo không khí sôi nổi trong cả nước.

Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, đa dạng, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị và được nhân dân hưởng ứng. Các phong trào Thủ tướng và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục được triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu, trở thành nòng cốt định hướng cho các phong trào thi đua cả nước.Công tác khen thưởng, đã thực hiện đúng quy định, kịp thời thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước và rất ít sơ suất xảy ra.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng nhắc lại chủ trương 12 chữ của Chính phủ và yêu cầu công tác thi đua khen thưởng cũng phải tập trung để kết quả đạt được thực hiện được sự bứt phá và hiệu quả. Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng như quán triệt tinh thần chủ trương đường lối của Đảng, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người. Do đó, các phong trào thi đua phải thực hiện thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị cơ quan đơn vị.

Cùng với đó là đôn đốc kiểm tra, tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở. Thủ tướng đồng ý đề xuất phát động phong trào thi đua về thực hiện văn hóa công sở và nêu rõ: “Chúng tôi cũng nhấn mạnh là chúng ta phát động thi đua thực hiện văn hóa công sở.

 Về tiêu chí, giao cho Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để phát động và đã nói là làm đến nơi đến chốn. Chúng ta cũng đã có Quyết định 1847 (về Đề án văn hóa công vụ) thì phát động dễ nhớ dễ thực hiện, tận tụy, sáng tạo, đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác; cách làm nào để thực hiện cái này. Thực hiện phong trào để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn”.

Một lần nữa, tại cuộc họp này, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp, bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng tham mưu tổng kết phong trào 10 năm cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, biểu dương khen thưởng các bộ, ngành và địa phương đạt thành tích xuất sắc.

Thủ tướng cho biết đã yêu cầu một số tỉnh công bố sớm về kết quả này, trong đó có Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai... Cùng với đó là tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, hồ sơ phải đáp ứng yêu cầu, quy trình chặt chẽ, kịp thời biểu dương các tấm gương điển hình tiên tiến, các tấm gương sáng trong xã hội. Cho biết có nhiều tấm gương đáng quý, đáng trân trọng trong xã hội cần kịp thời khen thưởng, động viên, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp anh dân quân tự vệ Trương Văn Được, 33 tuổi, ở xã Tam Thăng, Quảng Nam, đã dầm mình trong lũ suốt ngày đêm để cứu người và đã qua đời vì kiệt sức vào cuối năm 2018 vừa qua...

Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, năm qua, Hội đồng đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho trên 65.700 trường hợp. Trong tổng số cá nhân được khen hưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất chiếm 1,2%; khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp công tác chiếm 21% tổng số cá nhân được khen thưởng.

l Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), sáng 26-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, nói chuyện với đội ngũ y, bác sỹ và bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ, viên chức Bệnh viện Bạch Mai và toàn ngành y tế cả nước.

Nhìn lại 64 năm xây dựng và phát triển, thực hiện lời dạy của Bác Hồ - "Thầy thuốc như mẹ hiền" - Thủ tướng đánh giá: Ngành y tế nước ta đã trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên, đạt nhiều thành tựu to lớn trong thực hiện sứ mạng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nếu như năm 1954 cả nước ta chỉ có 300 y, bác sỹ thì đến nay toàn ngành đã có 460.000 cán bộ, nhân viên, 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 8,2 bác sỹ/vạn dân, cao hơn bình quân ASEAN. Trình độ y tế có bước tiến bộ vượt bậc, ngang tầm khu vực.

“Sự đóng góp hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế, các trạm y tế thôn, bản, làng, xã đến các trung tâm y tế, các bệnh viện, các tuyến huyện, tỉnh, trung ương, mang lại sự sống, sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười cho người bệnh và gia đình. Các đồng chí chính là những người anh hùng thầm lặng, thực hiện nhiệm vụ cao cả chăm sóc và bảo vệ nhân dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự trưởng thành của Bệnh viện Bạch Mai trong lịch sử gần 110 năm qua, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, làm chủ được nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và là trung tâm y học hàng đầu của đất nước, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền y học Việt Nam và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Bệnh viện đã thường xuyên đào tạo khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giảm quá tải cho tuyến y tế trung ương; là cơ sở đào tạo thực hành cán bộ y tế toàn ngành và nhiều nước trên thế giới.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, môi trường sống, dịch bệnh... phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Bệnh viện Bạch Mai và toàn ngành y tế thấm nhuần lời dạy của Bác, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Bạch Mai phải đi đầu trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo chuẩn mực đào tạo, thực hành tốt nhất, phấn đấu trở thành một bệnh viện hàng đầu khu vực trong tương lai gần. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bệnh viện phát huy tốt nhất nguồn kinh phí lớn của Nhà nước đã dành cho việc xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở hai; đồng thời đề nghị cán bộ, y bác sỹ của ngành y và Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục trau dồi kiến thức, nâng cao y đức, thầy thuốc như mẹ hiền.

Thủ tướng mong muốn, thế hệ trẻ của bệnh viện phải nỗ lực học tập, tiếp bước các thế hệ đi trước, các chuyên gia đầu ngành để luôn là nơi tập trung trí tuệ, chuyên môn y học hàng đầu cả nước. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, trong đó khẩn trương hoàn thiện để đưa cơ sở hai của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt - Đức đi vào hoạt động có hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai và toàn ngành phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là cơ sở lớn như Bệnh viện Bạch Mai phải tập trung phát triển các mũi nhọn y tế chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đa dạng của người dân, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh, góp phần giảm tình trạng mỗi năm người Việt Nam chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh.

PV (Theo VOV)
.
.
.