Tạo điều kiện tối đa cho công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh
- Bộ trưởng Tô Lâm đọc Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cốt lõi
- Nhiều điểm mới trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Theo dự kiến, chiều nay (28-10), Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đây là một trong những dự án Luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV |
Dự án Luật được xây dựng với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại Phiên họp lần thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này gồm 8 chương, 52 điều (tăng 2 chương, 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), trong đó xin xin ý kiến 6 chương, 40 điều. Dự thảo Luật quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc xây dựng dự án Luật được dựa trên các quan điểm chỉ đạo: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh và kiểm soát xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để đáp ứng với sự phát triển của đất nước, tháo gỡ những phát sinh trong thực tế.
Việc xây dựng luật còn xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công an, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (2007: 1,9 triệu; 2008: 2,6 triệu; 2010: 3,2 triệu; 2013: 6,1 triệu; 2016: 7,7 triệu; 2017: 9,2 triệu; 2018: 9,6 triệu). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục.
Để đảm bảo thời hạn cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và công dân không phải mất thời gian chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như: máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…
Xuất phát từ yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử); tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Theo quy định mới của dự án Luật, người đề nghị cấp hộ chiếu có thể khai thông tin qua mạng internet. Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện (quy định hiện hành, phải nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn).
Bên cạnh đó, người dân có thể trực tiếp nhận hộ chiếu hoặc lựa chọn nơi nhận hộ chiếu phù hợp, là sự thể hiện tạo thuận lợi cho công dân. Quy định rõ về trình tự, thủ tục khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn, hộ chiếu đã được sử dụng trong các giao dịch dân sự (mở tài khoản ngân hàng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ô tô...).
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp; về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.