Tăng tuổi nghỉ hưu: “Không phải để người đương chức kéo dài thời gian làm việc”

Thứ Tư, 14/08/2019, 12:17

Là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 36 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thảo luận, xem xét về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sáng nay, 14-8.



Tăng là xu thế nhưng cần có lộ trình

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với quy định do Chính phủ trình về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.

“Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới”, bà Thuý Anh cho biết.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ tán thành với chính sách mới này bởi cần tính đến sự già hoá dân số trong tương lai gần, vấn đề cân bằng giới, thị trường lao động. Theo ông, Đảng đã định hướng trong nghị quyết rồi, nên chúng ta cần cụ thể hoá cho phù hợp, song phải có lộ trình.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu là không thể khác được. Tuy nhiên vấn đề ở đây là cần tăng có lộ trình và nghiên cứu, xác định danh mục những đối tượng nào có quyền nghỉ sớm, đối tượng nào tăng tuổi nghỉ hưu. Ví dụ cô giáo mầm non, công nhân hầm lò... “Trong quá trình làm cũng nên tăng cường tuyền truyền để người dân hiểu, không phải một bộ phận quản lý muốn tăng tuổi để lấy mất chỗ của nhân viên trẻ”, bà đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Phát biểu với tư cách thành viên UBTVQH và là người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị luật cần đánh giá kỹ hơn tới các yếu tố: Sức khoẻ của người lao động Việt Nam; khả năng làm việc; kinh tế lao động (thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội), rồi yếu tố văn hoá truyền thống, tâm lý xã hội.

“Đây là vấn đề rất lớn, chúng ta phải thực hiện theo đúng tinh thần của Trung ương, đáp ứng cho dài hạn chứ không chỉ trước mắt. Theo lộ trình, đến năm 2035 một cán bộ nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60, tức là hơn 15 nữa. Chứ không phải chúng tôi làm luật này để ở lại, không phải để cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu có tính toán cụ thể, thận trọng, hợp lý và có đánh giá tác động với từng đối tượng lao động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội tiếp thu các ý kiến của ĐBQH để đánh giá thêm, thuyết phục người lao động, tăng cường tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá dựa trên những căn cứ, luận cứ khoa học để có thêm thông tin, quy định tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Người lao động cứ làm quần quật thì thời gian đâu lo cho gia đình?

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, nhiều ĐBQH tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến ĐBQH tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quan trọng nhất là cải thiện, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, bảo đảm sự bền vững cho họ và gia đình. “Nếu người lao động cứ quần quật lao động 48h/tuần thì thời gian đâu chăm sóc cho gia đình, rồi họ có thời gian để tái tạo sức lao động hay không?”, ông băn khoăn. Vì thế ông nêu quan điểm nếu tăng thì cần tăng có lựa chọn và phải có giám sát.

“Ví dụ đánh bắt thuỷ hải sản, dệt may, hay trường hợp gặp thiên tai, tai nạn cần phải làm thêm giờ. Nên trong luật cần quy định rõ những ngành nào được phép làm thêm giờ và được làm thêm bao nhiêu giờ. Nhưng tối đa cũng chỉ nên 44h/tuần”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Viện dẫn lại những thông tin của những lần sửa luật trước đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra bất hợp lý khi cả thế giới đều đấu tranh để người lao động tăng thu nhập, giảm giờ làm thì dự thảo Luật lại đề nghị tăng giờ làm. Bà phân tích, hiện nay đa số người lao động được trả lương theo đơn giá sản phẩm, do đó người lao động làm thêm giờ đúng là thêm thu nhập, nhưng không phải là giá trị do chúng ta mong muốn. Còn người sử dụng lao động thì luôn muốn tăng năng suất lao động nhưng trả lương thì chỉ ở mức độ hợp lý.

Toàn cảnh phiên họp

“Tựu trung thì xã hội phát triển, tiến bộ văn minh nhưng chúng ta lại ngồi đây thảo luận tăng thêm giờ của người lao động. Chúng ta có đi ngược lại xu hướng tiến bộ hay không, khi mỗi lần sửa luật thì đề nghị tăng thêm giờ cho người lao động? Tôi đề nghị cân nhắc việc này”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng xét về tổng thể Bộ luật Lao động phải trả lời được câu hỏi, người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện cho người lao động và nhà nước, xã hội được lợi gì? Quyền lợi nào của người lao động được bảo đảm, nghĩa vụ nào của người lao động tăng lên, nghĩa vụ nào giảm đi?

“Cần tìm điểm hài hoà, cân bằng giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Nhưng phải bám sát nguyên tắc, đất nước phát triển hơn thì tất cả người dân Việt Nam phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, phải được hưởng thành quả nhiều hơn từ lợi ích của sự phát triển đất nước”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.


Quỳnh Vinh
.
.
.