Tăng cường các giải pháp kỹ thuật để giám sát an toàn trên không gian mạng

Thứ Hai, 21/01/2019, 09:55
Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, trong năm 2018, lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) tiếp tục là lĩnh vực “nóng” theo xu hướng chung của thế giới. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và có xu hướng áp dụng công nghệ mới.

Trước thực trạng trên, trong năm 2019, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ để đưa Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” về ATTT. Đặc biệt là việc sử dụng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia giám sát an toàn trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam, kể các trang tin điện tử tổng hợp.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2018, đã ghi nhận 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 1.023 cuộc so với năm 2017 (tương đương 10%). 

Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware). Bộ TT&TT phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xử lý bóc gỡ mã độc vào dịp cuối năm. 

Trong năm, cũng ghi nhận 4.181.773 địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet), giảm 296.024 địa chỉ IP so với năm 2017 (tương đương 6%) và 2.166 trang web thu thập thông tin cá nhân của người Việt Nam được đặt tại các nước khác nhau trên thế giới. 

Về tin nhắn rác, VNCERT ghi nhận 56.941 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 37,3% so năm 2017. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2018, tình hình tấn công mạng vào Việt Nam đã giảm về số lượng các cuộc tấn công dẫn đến sự cố. 

Việc xử lý, bóc gỡ các mã độc lây nhiễm trên thiết bị CNTT của khối cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu tích cực khi Bộ TT&TT đã xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết: Nhiệm vụ của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng là thực hiện chức năng theo dõi, giám sát ATTT, cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam; kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ mất ATTT như các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng, các cuộc tấn công mạng có chủ đích... 

Tăng cường hoạt động giám sát ATTT cho các hệ thống, các dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính phủ điện tử; thực hiện kiểm tra đánh giá an toàn mạng cho các cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành địa phương. 

Đây thực sự là một trong những giải pháp công nghệ mang tính đột phá bởi khi đi vào hoạt động, Trung tâm đảm nhận nhiệm vụ tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin vi phạm trên mạng, giúp nâng cao hiệu quả, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, trong năm 2019, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để triển khai giám sát an toàn trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam, kể cả trang tin điện tử tổng hợp. 

Trong đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hỗ trợ công tác quản lý đối với nhiệm vụ tự động rà soát, phân tích nội dung của các trang thông tin điện tử tổng hợp để nâng cao hiệu quản lý, phát hiện thông tin vi phạm, qua đó kịp thời, cảnh báo, xử lý theo quy định. 

Đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các trang tin điện tử có dấu hiệu đăng bài như cơ quan báo chí, đặc biệt là các hành vi vi phạm có tính phổ biến như thông tin sai sự thật, thông tin gây tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Từ đó, giúp các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.

Cùng với việc vận hành Trung tâm Giám sát về an toàn không gian mạng, trong năm 2019, Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ như xử lý tình hình lây nhiễm mã độc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; triển khai hệ thống chia sẻ và phân tích thông tin về nguy cơ, rủi ro mất an toàn, an ninh mạng trong các nước ASEAN và đưa Việt Nam thành một trong những trung tâm chia sẻ nguy cơ an toàn, an ninh mạng của ASEAN. 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng, phòng chống tấn công mạng bằng công cụ Made in Viet Nam; phát triển mạng xã hội Việt Nam, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm dịch vụ về hệ sinh thái số Việt Nam.

Huyền Thanh
.
.
.