Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam

Thứ Tư, 10/05/2017, 08:06
Năm APEC Việt Nam 2017 đến nay, dù mới đi được gần một nửa chặng đường nhưng nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài Diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC.

Đòn bẩy của “sức mạnh mềm”

Trong bài viết mới nhất của mình về Năm APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Năm APEC Việt Nam 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng, liên kết ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới; góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một thế giới đầy biến động.

Việc đăng cai APEC thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm APEC Việt Nam 2017 đến nay, dù mới đi được gần một nửa chặng đường nhưng nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài Diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC.

Các thành phố trên khắp cả nước đã sẵn sàng cho các hội nghị khuôn khổ Năm APEC 2017.

Chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cũng như việc Việt Nam đề ra 4 ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế; đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, đây là bước đi quan trọng để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tầm nhìn này được thể hiện ở việc chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI; tạo ra những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, nâng liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, khẳng định là Diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogor, duy trì đà liên kết khu vực trong các khuôn khổ như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, xử lý các thách thức chung như tác động trái chiều của toàn cầu hóa và công nghệ số, bất bình đẳng gia tăng… và xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10 – 15 năm tới…

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thành lập tháng 11 năm 1989, là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.

Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất.

Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của Việt Nam.

Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC…

Như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: “Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với các nỗ lực của APEC 2017 sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy “sức mạnh mềm”.

Các hoạt động trong năm 2017 còn là cơ hội để Việt Nam đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt.

Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới, dự kiến sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC tới Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Còn đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch...

Ngày 9-5, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2) và các cuộc họp liên quan đã bước vào ngày làm việc đầu tiên. Đợt hội nghị này kéo dài đến ngày 21-5, được tổ chức tại Hà Nội và Ninh Bình.

7 bộ, ngành của Việt Nam, gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC.

Để đón chào các đại biểu APEC, Thủ đô Hà Nội và TP Ninh Bình đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Ban Thư ký APEC 2017 và các bộ, cơ quan liên quan triển khai các công tác chuẩn bị từ rất sớm.

Nhiều hoạt động phong phú sẽ được tổ chức trong dịp này để giới thiệu đến bạn bè quốc tế và khu vực về vẻ đẹp của vùng Bắc Bộ và nét thanh lịch, tài hoa của người Tràng An, góp phần vào thành công chung của Năm APEC Việt Nam 2017.

Huyền Chi
.
.
.