TP Hồ Chí Minh xây dựng các giải pháp thực hiện Đề án đô thị thông minh

Chủ Nhật, 23/06/2019, 07:54
Ngày 22-6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá 18 tháng triển khai Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đề án được xác định trọng tâm có bốn trụ cột và chính quyền điện tử. Hiện Thành phố đã triển khai giai đoạn 1 các trụ cột này: "Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở", tích hợp một số cơ sở dữ liệu quan trọng; "Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh", đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của một số sở ngành, quận huyện; tập hợp tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo cho "Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội"; Thành phố cũng đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố đang tập trung triển khai nền tảng chính quyền điện tử thành phố (LGSP) với các hệ thống tích hợp, dịch vụ dùng chung như Hệ thống tích hợp dữ liệu; Trục liên thông kết nối, dịch vụ đăng ký, xác thực người dùng và đăng nhập một lần; Dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ dùng chung cho các ứng dụng Văn bản điều hành.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong năm 2019, Ban điều hành Đề án đã dành 500 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Hiện 3 trụ cột của Đề án đã triển khai giai đoạn 1 (trừ trụ cột Trung tâm An toàn thông tin, dự kiến tháng 9-2019 thành lập công ty quản lý). Dù vậy, Thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai như nguồn nhân lực và hạ tầng hạn chế; các giải pháp khoa học và công nghệ thay đổi liên tục, nhưng thành phố chưa áp dụng đa dạng các phương thức triển khai phù hợp như đầu tư công, thuê dịch vụ, đối tác công tư.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng đô thị thông minh.

Trong Đề án, Thành phố Hồ Chí Minh chọn triển khai thí điểm tại quận 1 và quận 12. Hiện nay, UBND quận 1 đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh, tích hợp hệ thống camera tại địa bàn dân cư và trụ sở Công an 10 phường trên địa bàn (trên 750 mắt camera); đầu tư lắp đặt các camera quan sát tầm xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự… Trong khi đó, quận 12 triển khai xây dựng Trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại Công an quận 12, tích hợp hơn 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư.

Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, quận đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, cụ thể triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; quản lý hồ sơ hành chính; hệ thống quản lý địa bàn khu dân cư; hệ thống thông tin quản lý quy hoạch; triển khai ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường. Ngoài ra, quận cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, hệ thống trả lời tự động hướng dẫn thủ tục hành chính…

Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành quản lý của các ngành như cổng thông tin giao thông cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin về tình hình giao thông; xây dựng kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin của ngành giáo dục đào tạo; hệ thống GIS cho y tế dự phòng, hội chẩn từ xa cho 24 trạm y tế mô hình điểm, liên thông dữ liệu của 6.000 cơ sở cung ứng thuốc tại thành phố; cổng thông tin hệ thống thoát nước, giúp người dân chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra; ứng dụng cung cấp thông tin về quy hoạch…

Dù Thành phố đã triển khai và đạt nhiều kết quả trong đề án, nhưng ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ thông tin trên một thiết bị số phải có công dân số. Điều này nhiều nước đã thực hiện thành công, liên quan đến công dân số như Estonia, Nga, Ấn Độ…

Hiện nay, đối với dịch vụ công trực tuyến cả nước, có khoảng 30 – 40% người dân đã tiếp cận, nhưng chúng ta chưa giao dịch với người dân bằng số hóa, khi hơn 95% thủ tục hành chính, người dân vẫn phải gửi giấy tờ đến các cơ quan. Do đó, phải số hóa hiệu quả, để người dân được phục vụ tốt hơn, trong đó cần có mục tiêu cụ thể khi ứng dụng công nghệ thông tin như: bao nhiêu người dân được phục vụ khi ngồi ở nhà (dịch vụ công cấp 4)…

Chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trên cơ sở kết quả triển khai của các đơn vị, quận huyện, cần xây dựng “khung” chung để các địa phương triển khai đồng bộ. Các đơn vị phải xác định rõ mục tiêu, đối tác công nghệ trong thời gian tới, ký kết hợp tác với những cam kết cụ thể. Chúng ta phải xác định rõ từng vấn đề hợp tác, định hướng cơ chế tài chính cho phù hợp (đấu thầu, chỉ định thầu…); cách thức hợp tác với người dân, khuyến khích người dân tham gia Đề án (như sử dụng camera của người dân).

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, Ban điều hành Đề án cùng các đơn vị sớm thẩm định lại các dữ liệu ngành theo lộ trình; qua đó, xây dựng quy chế sử dụng dữ liệu của Thành phố, bởi đây là tài nguyên rất quan trọng. Cùng với đó, UBND Thành phố cần có chương trình phù hợp để nâng cao trình độ người dân sử dụng công nghệ, trở thành công dân số trong đô thị thông minh.

Về kế hoạch triển khai Đề án thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng, triển khai thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ 5 (5G) tại quận 1, quận 3, Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung; lập các danh mục toàn bộ các công trình, dự án của Đề án cần thông qua chủ trương theo Luật Đầu tư công; xây dựng Chương trình đào tạo nguồn nhân lực riêng cho Đề án xây dựng đô thị thông minh của Thành phố.

Tiến Lực
.
.
.