Sóc Trăng cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở
- Đồng chí Trương Thị Mai thăm, làm việc với các đơn vị vũ trang tại Quảng Nam
- Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tại Lâm Đồng
- Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai gặp mặt các chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội Khóa XIV
Ngày 3/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. |
Báo cáo với đoàn công tác, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. |
Các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, sinh hoạt lệ các đoàn thể, tổ chức họp dân; đồng thời, lồng ghép việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vào chương trình công tác hằng quý, 6 tháng, hàng năm của cấp uỷ. Trong triển khai thực hiện, các cấp uỷ chú trọng công tác chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến...
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác cũng như lãnh đạo các Sở ngành, địa phương đã có những trao đổi, thảo luận xoay quanh những vấn đề làm tốt, những mô hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả cần nhân rộng hay chưa tốt, những vướng mắc cần kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ…
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết thêm, trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Sóc Trăng làm rất bài bản, do đó, có thể khẳng định, hiện nay, tại Sóc Trăng không còn tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người.
Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tham luận tại buổi làm việc. |
Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới có sự tham gia của người dân rất tích cực là nhờ có sự công khai minh bạch, lấy ý kiến của người dân, là sự thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuy nhiên đây đó vẫn còn có nơi, có lúc việc thực hiện quy chế dân chủ còn mang tính hình thức, khi kiểm tra, giám sát phát hiện đã chấn chỉnh ngay.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai biểu dương Tỉnh ủy, các cấp ngành tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt Kết luận 120 của Bộ Chính trị về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đến nay 100% cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, ý thức trách nhiệm với pháp luật của cán bộ đảng viên cũng như người dân. Chỉ số hài lòng của người dân ở Sóc Trăng được xếp đứng thứ 10 cả nước.
"Làm tốt dân chủ sẽ tạo động lực cho người dân tham gia đóng góp cho xã hội trong cơ chế dân biết, dân bàn dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, nhưng dân thụ hưởng những gì, cần phải làm rõ. Các tổ chức đoàn thể, mặt trận, công đoàn… cần làm tốt việc tổ chức thực hiện, giám sát, đại diện, bảo vệ cho người dân, người lao động", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu cấp ngành tỉnh, cơ quan đơn vị cần phát huy tinh thần làm chủ của người dân, cán bộ, đảng viên cần tránh quan liêu, hình thức, phải am hiểu địa bàn, hiểu người dân muốn gì, cần gì. Theo đó, việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện dân chủ phải đi đôi với kỷ cương cần được thực hiện nghiêm. Vai trò người đứng đầu là rất quan trọng; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu gương.
Trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; xúc phạm đến tổ chức cá nhân gây bất ổn chính trị, an ninh, xã hội…