Sẵn sàng sống chung an toàn với dịch bệnh nhưng không chủ quan

Thứ Hai, 20/04/2020, 15:33
Khám chữa bệnh an toàn, đi học an toàn, đi lại an toàn, sản xuất, kinh doanh an toàn và du lịch an toàn là những nội dung được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 bàn thảo tại cuộc họp ngày 20/4.

Hôm nay là ngày thứ 4 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, 2 địa phương đã cho học sinh đi học trở lại. Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, mục tiêu là phải “sống chung an toàn”, nhưng tuyệt đối không được chủ quan.

Lớp học không quá 20 học sinh

Ngày 20/4, 2 tỉnh Cà Mau, Thái Bình bắt đầu cho học sinh đi học trở lại trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch như: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, không tổ chức bán trú. Trong thời gian tới sẽ có thêm một số tỉnh trong nhóm có nguy cơ thấp cho học sinh trở lại trường. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và UBND các tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các nhà trường hoạt động hiệu quả.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Các nhà trường phải rất linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy học của từng trường, lúc nào dạy trực tuyến, lúc nào dạy trực tiếp, việc này các nhà trường phải chủ động. Do việc đảm bảo khoảng cách của các học sinh, vì vậy các lớp phải tách ra làm 2, để các lớp không quá 20 học sinh”.

Để đảm bảo cho học sinh đến trường an toàn, Thứ trưởng Bộ GS&ĐT cho biết thêm, bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây về đi học an toàn, trường lớp an toàn, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế để bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp học. Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Hiện các các phương tiện giao thông công cộng đã được phép lưu thông giữa các tỉnh có nguy cơ thấp, phải thực hiện giãn cách xã hội trên xe. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng đang gặp khó khăn đối với phương tiện trong nội đô như xe buýt, xe taxi. Nhiều địa phương đã kiểm soát tại các cửa ngõ nhưng mới chỉ dừng lại ở đo thân nhiệt. 

Một số thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, để kiểm soát, đảm bảo hoạt động đi lại an toàn ngoài những biện pháp thông thường như kiểm tra trực tiếp thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng chống dịch trên các phương tiện giao thông như: Lái xe phải đeo khẩu trang, đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe. Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông thông qua phần mềm ứng dụng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi…, cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế, tuỳ theo các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp sáng 20/4 (Ảnh VGP))

Giám sát tất cả các bệnh viện

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chưa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm.

Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát tất cả bệnh viện thuộc Bộ, phối hợp với các sở y tế để giám sát các cơ sở y tế địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm.

Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương giám sát doanh nghiệp sản xuất

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng, ban hành hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể bảo đảm tuân thủ đầu đủ các hướng dẫn, quy định an toàn khi hoạt động, làm việc trở lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công Thương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.

Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất và khu nhà trọ của người lao động. Các chuyên gia đề nghị Bộ Công thương lấy mẫu giá sát điểm, xét nghiệm tại các khu công nghiệp và kiểm tra quy trình phòng chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động và Xã hội cho biết, đối tượng lao động tự do thay đổi thường xuyên, địa điểm làm việc thay đổi thường xuyên, ngành nghề cũng thay đổi thường xuyên. Trong thời gian tớ sẽ có đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cho các địa phương, huyện, quận, phường xã để giám sát hàng ngày.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…. Tuỳ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.

Kiểm tra thân nhiệt người qua lại tại cửa ngõ Thủ đô để phòng chống dịch bệnh

Đặc biệt, địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với nhóm các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, bán hàng rong… trên địa bàn. Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn bảo đảm an toàn trong các công sở, văn phòng…

Ban Chỉ đạo  yêu cầu các bộ ngành khẩn trương rà soát, bổ sung hoặc ban hành thêm các hướng dẫn với những tiêu chí cơ bản, sẵn sàng cho “chung sống an toàn”, tuyệt đối không chủ quan.

Ban Chỉ đạo đặc biệt nhất mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và bổ sung thêm quy định cụ thể, chi tiết hơn tuỳ điều kiện địa bàn. Chúng ta không được bỏ sót, bỏ lọt lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng, hoạt động không có người chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong thời gian qua, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm để vừa bảo đảm ANTT, ổn định chính trị, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được Bộ Công an thực hiện hết sức nghiêm túc và kịp thời.

 Đặc biệt, những thông tin thất thiệt, gây tâm lý bất an liên quan đến kết quả phòng, chống dịch cũng đã được Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng phát hiện, xử lý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp

 Chỉ tính riêng 15 ngày từ 1 - 15/4/2020 đã xử lý 32 đối tượng tại nhiều địa phương vi phạm hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, hầu hết số vụ chống người thi hành công vụ nói trên đều xuất phát từ những lý do ban đầu hết sức đơn giản, do tâm lý bức bối trong mùa dịch, không kiềm chế được mà dẫn tới hành vi bột phát. Do đó, bên cạnh công tác xử lý vi phạm phải đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc tự giác chấp hành những quy định về phòng, chống dịch bệnh. 

Về công tác quản lý xuất nhập cảnh, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để tính toán, đề xuất hướng giải quyết phù hợp nhất đối với những đối tượng người nước ngoài quá thời gian tạm trú, thông qua các cơ quan đại diện của họ để có hướng xử lý cho phi hợp...



Tr.Hằng
.
.
.