Răn đe, cảnh báo những trường hợp làm giả hồ sơ, hộ chiếu xuất cảnh trái phép
- Bộ trưởng Tô Lâm đọc Tờ trình về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cốt lõi
- Nhiều điểm mới trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Sáng 28-10, trao đổi với phóng viên báo CAND bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an trình có nhiều điều chỉnh rất quan trọng, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, công tác, du lịch...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, một trong những điều chỉnh quan trọng của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là sẽ tránh tình trạng Việt Nam mất uy tín với các nước, đặc biệt là Hàn Quốc vì sau khi được nhập cảnh vào các nước, người Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài lại bỏ trốn để làm riêng.
Bên cạnh đó, sẽ hạn chế tình trạng một số cơ quan chức năng quản lý nhà nước nhưng lại lợi dụng quyền lực của mình tạo điều kiện cho một số đối tượng xuất cảnh không hợp pháp.
“Luật Xuất cảnh Nhập cảnh của công dân Việt Nam do Chính phủ trình rất quan tâm đến đối tượng chính sách và các đối tượng mong muốn đi nước ngoài xuất khẩu lao động đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn. Còn những trường hợp mà lợi dụng vị trí của mình hợp lý hoá hồ sơ, làm hộ chiếu để xuất cảnh trái phép thì cũng được răn đe, cảnh báo” – Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
Đại biểu cũng cho rằng Luật cũng cảnh báo cho người dân phải có ý thức thực hiện pháp luật về xuất nhập cảnh đúng đối tượng, đúng luật pháp, không nên đi theo con đường không chính thống, dẫn đến việc nhiều người đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tiền bạc.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại Phiên họp lần thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này gồm 8 chương, 52 điều (tăng 2 chương, 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), trong đó xin xin ý kiến 6 chương, 40 điều. Dự thảo Luật quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự kiến, chiều 28-10, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình tờ trình dự án Luật, sau đó Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.