Ra mắt Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam

Thứ Năm, 21/04/2016, 20:13
Sáng 21-4, tại Hà Nội, Hội luật gia Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC). Đây là tổ chức phi chính phủ, hoạt động độc lập và không vì mục đích lợi nhuận theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14.3.2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc thành lập VLCAC có ý nghĩa rất to lớn. 

Phó thủ tướng tin tưởng, VLCAC giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách công bằng, minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm bí mật tuyệt đối, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Theo đó, VLCAC cần nỗ lực phấn đấu để trở thành Tổ chức trọng tài có uy tín, được doanh nghiệp trong và ngoài nước tín nhiệm, lựa chọn để giải quyết khi xảy ra tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Phó thủ tướng yêu cầu, hàng năm VLCAC cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài viên chuyên sâu về trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp cho đội ngũ trọng tài viên trong các lĩnh vực như: đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng... 

Cùng với đó, cần chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm trọng tài theo hướng tăng cường năng lực quản lý, điều hành của Trung tâm; có chính sách thu hút đội ngũ Trọng tài viên và các chuyên gia, luật sư, luật gia giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ, tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài; Nghiên cứu, đề xuất, đóng góp đối với các cơ quan lập pháp để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Chủ tịch VLCAC, Luật gia Nguyễn Văn Hậu cho biết, VLCAC ra đời sẽ giải quyết các tranh chấp thương mại đã, đang và sẽ diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp về một chế định giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, hiệu quả và độc lập ở Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hải Châu
.
.
.