Minh bạch thu nhập, tài sản để phòng, chống tham nhũng
“Quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập, tài sản để phòng, chống tham nhũng. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, rõ ràng có một số cán bộ, công chức có số tài sản tăng thêm giá trị rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 10-9.
- Tranh luận vì sao đánh thuế 45% tài sản không rõ nguồn gốc
- 92% tài sản tham nhũng bị tẩu tán
- Lãnh đạo có tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ bị tịch thu
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga trình bày Báo cáo Một số vấn đề lớn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) cho biết: Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (Phương án 1 của dự thảo Luật).
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án tạm coi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân (Phương án 2 của dự thảo Luật).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.
Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình; Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng (Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì đến năm 2011 có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự).
Về trình tự, thủ tục giải quyết: Theo phương án này, thủ tục giải quyết sẽ áp dụng tương tự như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và phiên họp có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của Tòa án.
Đồng thời, quy trình, thủ tục giải quyết loại việc này tại Tòa án cũng nhanh chóng; hạn chế làm phát sinh thủ tục xử lý kéo dài và ít gây áp lực trong bối cảnh Tòa án đang có dấu hiệu quá tải do phải thụ lý, giải quyết rất nhiều loại vụ việc, vụ án khác.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga |
“Tuy nhiên, theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của Tòa án mới thi hành được” – Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ đồng tình với phương án 1 vì cho rằng đây là phương án hay và cử tri sẽ hoan nghênh, tuy nhiên ông băn khoăn tính khả thi của phương án này.
“Cơ quan kiểm soát tài sản có làm được không, khi tổ chức thực hiện, xử lý vấn đề liên quan rất khó. Vì trước các kỳ đại hội, các lần bầu cử thì đơn thư khiếu nại tố cáo tăng cao. Khi có quyết định này thì sẽ tăng thêm nhiều lần, cơ quan xử lý có giải quyết được không nếu đơn thư dồn dập như thế?” – Tổng Thư ký Quốc hội phân tích.
Cũng băn khoăn về tính khả thi của phương án 1, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, toà án hiện nay đang bị quá tải bởi các vụ án hành chính. “Ví dụ, Điều 7 Luật Khiếu nại quy định quyền khiếu nại tố cáo của người dân là nếu người dân không đồng ý với kết quả đó thì có thể khiếu nại tại toà. Nhưng thực chất tỷ lệ khiếu nại chỉ khoảng 5%. Hiện nay số vụ việc như này giả sử xảy ra thì giải quyết trong bao lâu? Vì như việc làm rõ bồi thường oan sai bao nhiêu còn phải đưa ra các bằng chứng ăn ở, đi lại, vé tàu xe… rất khó khăn. Nên so bó đũa chọn cột cờ để chọn phương án hợp lý hơn”, bà Hải nêu quan điểm.
Trưởng Ban Dân nguyện khẳng định nghiêng về phương án 2 dù rằng chưa thể hiện được thái độ nghiêm minh trong xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Đồng quan điểm chọn phương án thuế thu nhập cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, với quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay thì hoàn toàn xử lý được mà không cần phải ra toà, không phải sửa luật.
“Anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó thì chuyển sang cơ quan thuế, bắt nộp thuế và xử phạt, quy định từ thu thuế luỹ tiến từng phần, rồi mức phạt... đều có rồi. Nếu làm nghiêm thì cứ luật thuế mà xử, cần gì nặng nề chuyển sang toà, sang Viện với thủ tục rất rườm rà”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nói.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với tài sản do tham nhũng mà có thì miễn bàn vì luật hiện hành đã có quy định. Riêng với tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai không giải thích hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật ta chưa có quy định nào để xử lý, trong khi đó không loại trừ những loại tài sản này là bất hợp pháp.
“Chính vì vậy, dự luật đã được xem xét, bàn thảo thận trọng đến 3 kỳ họp. Quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập, tài sản để phòng, chống tham nhũng. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, rõ ràng có một số cán bộ, công chức có số tài sản tăng thêm giá trị rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả và phù hợp với lòng dân thì cần thu hồi được tài sản tham nhũng. “Dân họ nói, người ta muốn biết vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được tài sản tham nhũng chưa, thu hồi được bao nhiêu, chứ không cần biết ông đó đi tù bao lâu. Đi tiếp xúc cử tri họ đều hỏi câu này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đồng thời yêu cầu báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án xử lý.