Quyết định lịch sử của Tư lệnh Lê Đức Anh tại “chảo lửa” Chương Thiện

Thứ Năm, 25/04/2019, 07:46
Khu di tích “Chiến thắng Chương Thiện” như cột mốc lịch sử đánh dấu vị thế chiến lược của vùng Vị Thanh – Long Mỹ với vai trò cửa ngõ căn cứ cách mạng U Minh trong kháng chiến. Đặc biệt, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó góp ý tưởng và Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước - PV) trực tiếp động thổ, khởi công xây dựng, cắt băng khánh thành công trình này mang một ý nghĩa lịch sử, sinh động, ít người biết đến…

Cân não trước giờ “G”

Năm 1959, Ngô Đình Diệm lập Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu khét tiếng, năm 1961 lập tỉnh Chương Thiện và đặt tỉnh lỵ tại Vị Thanh. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn – Nguyễn Văn Thiệu, từng nói: “Sống là đây, chết cũng là đây”.

Dù thua đậm trên bình diện chiến trường Đông Dương, trước khi ký kết Hiệp định Paris, năm 1972 Mỹ đã tăng viện phương tiện, khí tài cho ngụy quyền Sài Gòn trị giá trên 2,65 tỉ USD, thực hiện mưu đồ “Việt Nam hóa chiến tranh”, điều 27 lượt máy bay B52 đánh bom rải thảm, hủy diệt ấp Ông Vèo (xã Hòa Hưng, Giồng Riềng, Kiên Giang), đồng thời ngụy quyền Sài Gòn đôn quân, bắt lính tăng cường lực lượng bảo an, phòng vệ, cảnh sát, đưa quân chủ lực của chúng tại miền Tây lên tới 213.800 tên… chuẩn bị đánh chiếm vùng Chương Thiện, mở cửa tấn công căn cứ U Minh tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng.
Đại tướng Lê Đức Anh động thổ xây dựng di tích Chiến thắng Chương Thiện, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010).

Hai tuần trước khi Cố vấn an ninh, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ - Henry Kissinger ký tắt với đồng chí Lê Đức Thọ vào văn bản Hiệp định Paris, tại Tây Nam Bộ, tướng ngụy Trương Vĩnh Nghi điều Quân đoàn 4 (Quân khu 4), mở các cuộc hành quân cấp sư đoàn càn quét vào vùng Chương Thiện, lấn chiếm trên diện rộng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chỉ cách cứ điểm của địch một tầm đạn pháo, lúc đó đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu (QK) 9 cùng Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ Võ Văn Kiệt đều có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương Quân khu (ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ), bám sát tình hình chiến trường, chỉ huy toàn Khu Tây Nam Bộ không lơi tay súng.

Ngay trong ngày 23-1-1973, việc ký tắt Hiệp định Paris tiến hành thì Khu ủy Tây Nam Bộ cũng đã đề ra kế hoạch “Thời cơ”, lệnh cho các đơn vị vũ trang tiến công toàn quân khu, mở rộng thêm vùng giải phóng - đây là một kế hoạch có tính quyết định lịch sử làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam sau này.

Tư lệnh QK9 Lê Đức Anh điều 4 trung đoàn chủ lực của quân khu về Chương Thiện. Bố trí Trung đoàn 10 (Sông Hương) ở Tây Nam Long Mỹ; Trung đoàn 1 ở Đông Bắc Long Mỹ; Trung đoàn 20 ở Tây Vị Thanh; Trung đoàn 2 cơ động vùng cửa ngõ U Minh. Vừa củng cố lực lượng sẵn sàng chiến đấu tại chỗ, lực lượng chủ lực còn có nhiệm vụ kiềm chân địch tại các vùng trọng điểm và cơ động tiến công sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, khi cần thiết phải cơ động về bảo vệ căn cứ U Minh. Các địa phương cũng đều phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, huy động quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận, hình thành bộ máy chỉ đạo ở cơ sở.

Phương thức tác chiến là đánh địch phản kích càn quét, tiêu diệt quân địch lấn chiếm phá hoại hiệp định. Diệt ác, phá kềm, bao vây tiến công đồn bót, hỗ trợ quần chúng bung về ruộng vườn, tăng cường binh vận làm tan rã địch. Đánh phá giao thông, hậu cứ địch bằng đặc công, du kích và mìn nổ chậm.

Quyết định táo bạo...

Bước vào thời điểm ký kết Hiệp định Paris, toàn lực lượng trên chiến trường Tây Nam Bộ đã vào thế sẵn sàng tiến công đánh địch bình định, lấn chiếm. Đúng vào ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, trực tiếp xuống Cần Thơ, triển khai kế hoạch bình định lấn chiếm cho Trương Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 4.

Chúng chia thành 3 đợt: Đợt 1, từ tháng 3 đến tháng 5 bình định xong Chương Thiện; đợt 2, từ tháng 6 đến tháng 8 bình định U Minh; đợt 3, từ tháng 9 đến tháng 12 bình định Nam Cà Mau và củng cố các khu vực kiểm soát.

Cũng thời điểm đó, từ căn hầm nền đúc trong vườn cây rậm rạp của Sở chỉ huy tiền phương QK9, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, đã điện chỉ thị các địa phương, đơn vị toàn Quân khu “Phải chủ động đánh địch hành quân lấn chiếm.

Nếu để địch lấn chiếm hết đi thì tình hình sẽ khó khăn thêm, mà chúng ta có khôi phục lại được phải đổ nhiều xương máu, thậm chí phải kéo dài chiến tranh thêm 10 hay 20 năm nữa”.

Các trung đoàn chủ lực của Khu 9 lên tuyến trước, sẵn sàng trừng trị bọn địch vi phạm Hiệp định Paris. Đúng 7h sáng 28-1-1973, Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực nhưng tiếng súng vẫn rền vang trên toàn miền Tây.

Địch đàn áp cuộc biểu tình của 36.000 quần chúng chào mừng Hiệp định Paris ở Cần Thơ, bắn 38.000 quả pháo vào ấp Cái Nai (Long Mỹ), tăng cường đánh phá ở Tây Vị Thanh, Đông Bắc Long Mỹ thực hiện kế hoạch bình định vùng Chương Thiện.

Ta đã sẵn sàng trận địa, chủ động chặn đứng các mũi tấn công của địch. Điển hình nhất là Trung đoàn 1, do Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà (sau là Đại tướng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - PV), chỉ huy, kiên cường chặn đứng, giải phóng 3 xã Bắc Long Mỹ (Long Phú, Long Trị và Long Bình), đánh địch lấn chiếm Đông Bắc Long Mỹ, giữ vững khu vực Cái Nai, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch và tập kích yếu khu Quang Phong, khiến địch co cụm.

Suốt 3 tháng, Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà đã chỉ huy một ngàn quân của Trung đoàn 1 phối hợp lực lượng tại chỗ của địa phương, quần nhau với hơn một vạn quân của đối phương trong phạm vi 20km, với những trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, giành giật nhau từng khu vực, từng đoạn sông.

Ngay trong lúc Khu Tây Nam Bộ đang quyết liệt tổ chức đánh đối phương bình định lấn chiếm “tràn ngập lãnh thổ” thì Bộ Chỉ huy Miền điện phê bình QK9 không thi hành chủ trương của Trung ương Cục và thông báo cho toàn Miền.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh từng viết: “Anh Trung, Khu ủy viên phụ trách công tác binh vận vừa đi họp trên Miền về thì nói với tôi rằng trên Miền có người đề nghị đưa anh ra tòa vì anh không chấp hành Hiệp định, phá hoại Hiệp định. Tôi bảo: Được, anh yên tâm đi. Nhưng anh không được nói với ai chuyện này.

Tôi phải đánh đã. Nếu thua thì tôi ra toà luôn một thể. Chủ trương này tất cả Khu ủy đã nhất trí, anh cũng phải chấp hành cái đã. Tôi biết, trên yêu cầu thì anh phải về nói, chứ thực chất anh là người chiến đấu kiên cường”.

Cuộc chiến tại Chương Thiện tiếp diễn quyết liệt, về tương quan lực lượng quân ngụy hoàn toàn áp đảo ta về quân số, trang bị kỹ thuật, phương tiện tác chiến, và hỏa lực chúng tràn ngập lãnh thổ, ta phải triển khai đánh địch trên diện rộng, bao gồm 269 xã, 1.482 ấp tập trung ở Vĩnh Thuận, Gò Quao, Giồng Riềng của Rạch Giá, Long Mỹ, Phụng Hiệp của Cần Thơ, Phước Long, Thạnh Trị (Sóc Trăng), đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ được địa bàn.

Trong khi đó, trên chiến trường miền Nam nhiều địa phương không lường hết được âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch, mất cảnh giác, nên chúng đã lấn chiếm nhiều địa bàn trọng yếu, khống chế một số trục giao thông huyết mạch, đóng thêm 500 đồn bót, chiếm thêm 70 xã, kiểm soát thêm 650.000 dân…

Bài học nắm bắt thời cơ...

Giá trị to lớn từ quyết định táo bạo của Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ Võ Văn Kiệt và Tư lệnh QK9 Lê Đức Anh, tại “chảo lửa” Chương Thiện, đối với cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam năm 1975 là một câu chuyện dài.

Và từ quyết định táo bạo ấy, quân dân Tây Nam Bộ đã có một cuộc chiến sinh tử suốt 300 ngày đêm, loại khỏi vòng chiến đấu 40.000 tên địch, bắn chìm 128 tàu, phá hủy 372 xe quân sự, 37 máy bay, 108 khẩu pháo, thu hơn 1.000 súng các loại; gỡ 152 đồn, giải phóng 120 ấp với hơn 80.000 dân… đánh bại 75 lượt Tiểu đoàn địch âm mưu bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris năm 1973.

Trong bức điện của đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư), gửi đồng chí Phạm Hùng (cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ), ngày 10-10-1974, có đoạn viết: “Ở khu 9 tỷ lệ ta địch là 1/8, nhưng do nắm chắc chỗ mạnh của ta, chỗ yếu của địch, đã biết chủ động tiến công thì vẫn giành được thắng lợi…”.

Hùng Long
.
.
.