Đến cuối thế kỷ này, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập mặn?

Thứ Ba, 23/02/2016, 16:01
Ngày 23-2, tại Cần Thơ, Bộ TN&MT phối hợp với Đại sứ Vương quốc Hà Lan, tổ chức hội nghị quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). 


Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, ĐBSCL là nơi đang chịu “tác động kép” do BĐKH, nước biển dâng, các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững ở thượng nguồn sông Mê kông. 

Nhiều nơi trong vùng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000 ha/1,7 triệu ha đất nông nghiệp của cả vùng. Theo kịch bản của BĐKH, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, đến cuối thế kỷ này, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng. 

Thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành có liên quan, các địa phương trong vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng…     

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL
Bà Catharina Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan cho biết: ĐBSCL cũng như tất cả các đồng bằng khác trên thế giới, việc chịu ảnh hưởng của BĐKH là không thể tránh khỏi. Tất cả các đồng bằng này đều có chung một giải pháp để giảm thiểu các thiệt hại trước tình trạng BĐKH là “Quản lý đồng bằng theo cách thích nghi”. 
Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng địa phương và vùng miền có thể triển khai theo các cách khác nhau. Đối với Việt Nam, năm 2010 Thủ tướng Hà Lan đã ký với Việt Nam hợp tác song phương “Hợp tác xây dựng kế hoạch ĐBSCL” gọi tắt là (MDP) và đưa ra một loạt kiến nghị giải pháp, hướng đi cho vùng ĐBSCL. 
Hội nghị này chính là nơi bắt đầu bàn bạc tìm ra cách và hướng đi phù hợp nhất cho ĐBSCL. Về nguồn vốn cũng đã được chúng tôi bàn bạc kỹ và xem xét bằng những khoản vay do Ngân hàng thế giới đang tiến hành các bước. “Thực hiện kế hoạch này cần các biện pháp hành động dài hạn. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các công trình cần chú ý tránh tình trạng phí phạm...” - bà Catharina Nienke Trooster, nhấn mạnh. 

Đức Văn
.
.
.