Quy định 7 nhóm nhiệm vụ đối với lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Hai, 07/09/2020, 18:42

Ngày 7/9, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự, phát biểu ý kiến. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có: đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải có lực lượng đảm bảo ANTT tại cơ sở để sắp xếp thống nhất các lực lượng như bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ...thành một lực lượng chung.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt kết luận Hội nghị

Phát biểu tại phiên họp, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ cho biết, việc xây dựng Luật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cũng như quy định rõ trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia trật tự ở cơ sở. 

“Như hiện nay, các hiệp sỹ đường phố có tham gia  bảo vệ ANTT, nhưng nếu hi sinh thì không có quy định để xét công nhận liệt sỹ; các đồng chí bảo vệ dân phố, dân phòng khi đi tuần tra bảo vệ an ninh thôn xóm cũng rất vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ chính sách chưa được cụ thể. Vì vậy, cần có Luật để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của họ cũng như quy định nhiệm vụ, quyền hạn họ được phép thực hiện” – bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo thẩm tra.

Phát biểu tiếp thu ý kiến, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua sớm nhất. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ  chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Công an xã, nghĩa là sẽ được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ để khi có việc xảy ra giải quyết được ngay. 

Tiêu chuẩn đối với lực lượng này đảm bảo tính tự nguyện nhưng phải đáp ứng yêu cầu sức khỏe, uy tín, nhân thân theo quy định. Người tham gia lực lượng  này vẫn có thể tiếp tục tham gia ở các nhiệm vụ khác ở địa phương. 

“Chúng tôi đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ như: ai cũng có quyền thực hiện là bắt quả tang đối tượng phạm tội; nắm tình hình ở khu vực, lĩnh vực phụ trách ở cơ sở...Bộ Công an vừa qua đã triển khai 100% Công an chính quy xuống xã nhưng không tăng biên chế. Để thực hiện Luật này, sẽ  tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng dân phố, dân phòng...tham gia bảo vê ANTT ở cơ sở theo quy định của Luật CAND năm 2018. ” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần thiết ban hành Luật và không nên hiểu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là "công an hóa". Vì, lực lượng này ở cơ sở là cần thiết nhưng để giao cho các bộ phận tạo thành "dàn hợp xướng" và có sự điều hành thì cần có chính quyền địa phương, đồng thời có cơ quan tham mưu tổ chức lực lượng chính là Công an. 

Trách nhiệm của Bộ Công an rất cao để bảo đảm công tác an ninh trật tự ở cơ sở. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do lực lượng là quần chúng, tự nguyện tham gia phối hợp nên Luật cần bám sát phạm vi, mục đích, yêu cầu đặt ra chứ không nên tạo thành một lực lượng mới làm thay hay đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của Công an.

Đại biểu phát biểu ý kiến.

Với mong muốn Quốc hội sớm xem xét ban hành dự thảo Luật trong nhiệm kỳ này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh ngay sau phiên họp hôm nay sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu, tiếp thu đầy đủ, giải trình hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 48 tới và trình Quốc hội thông qua trong 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ 10) sắp tới.

Phương Thuỷ
.
.
.