Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Thứ Sáu, 14/06/2019, 08:38

Sáng nay, 14-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 91,53% đại biểu Quốc hội tán thành.



Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông qua do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết: Dự thảo Luật gồm 16 Chương, 207 điều.

Trong đó, về tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 33), nhiều ý kiến tán thành phương án quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân theo hướng: Doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động.

Các đại biểu tham gia biểu quyết

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều ý kiến không nhất trí phương án quy định nêu trên. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội (điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

“Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết. Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho hay.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động thì đây là vấn đề mới. UBTVQH đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.

Kết quả xin ý kiến chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50% tổng số ĐBQH) nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Do đó, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 33 của dự thảo Luật trình Quốc hội và chỉnh lý Điều 33 của dự thảo Luật như sau:

“Điều 33. Tổ chức lao động cho phạm nhân

1. Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, các ngành nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi về cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để phê duyệt.

2. Kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân hằng năm phải có các nội dung cơ bản sau đây:

a) Tổng số phạm nhân, trong đó có số lượng phạm nhân đủ điều kiện lao động theo quy định của pháp luật;

b) Dự kiến chi phí cho lao động; trích khấu hao tài sản cố định;

c) Dự kiến kết quả lao động của phạm nhân; chênh lệch thu, chi trong tổ chức lao động của phạm nhân;

d) Dự kiến, đề xuất kế hoạch sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

3. Trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân theo kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phê duyệt.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.     

Kết quả biểu quyết dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (Điều 34), có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị quy định rõ tỷ lệ (%) các mục chi từ kết quả lao động và xác định rõ “một phần công lao động của phạm nhân” tại điểm đ khoản 1 Điều 34.   

UBTVQH đã giải trình nội dung này tại Báo cáo số 390/BC-UBTVQH14 ngày 15-5-2019 và xin báo cáo thêm như sau: Việc phạm nhân lao động là nghĩa vụ bắt buộc, nhằm mục tiêu chính là giáo dục cải tạo, đồng thời, tạo điều kiện cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tế, năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam.

“Vì vậy, để phù hợp với điều kiện thực tế, dự thảo Luật quy định phạm nhân được hưởng một phần công lao động và giao Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Trước khi biểu quyết toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Điều 17, Điều 27 và Điều 33 với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.


Quỳnh Vinh
.
.
.