Quốc hội sẽ tăng thời gian truyền hình trực tiếp lên 11/26 buổi

Thứ Sáu, 20/10/2017, 17:11
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều 20-10, Quốc hội đã tổ chức họp báo về chương trình và nội dung kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp này sẽ có 2 vấn đề lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại hội trường và có 11/26 ngày làm việc được truyền hình trực tiếp.

Tại phiên họp báo, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết: Kỳ họp lần này sẽ khai mạc vào ngày 23-10, thay vì 20-10 theo quy định - vì đó là ngày thứ 6, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định dời khai mạc sang thứ 2 tuần kế tiếp. Chương trình dự kiến diễn ra trong 26 ngày và Quốc hội dự kiến sẽ làm việc một số ngày thứ 7. Kỳ họp dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 24-11

Theo thông lệ, tại kỳ họp này, bên cạnh xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề KT-XH và ngân sách. Nội dung xây dựng pháp luật sẽ có 11 ngày làm việc để Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến 15 dự án luật (thông qua 6 dự án, cho ý kiến 9 dự án) – trong đó có một số dự án luật quan trọng được cử tri và xã hội  chú ý như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công, Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh tại buổi họp báo

Quốc hội sẽ dành 15 ngày tiến hành nội dung giám sát và thảo luận về kinh tế - xã hội: ngoài kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách 2017, 2018, Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định 1 số dự án quan trọng là thu hồi đất, đền bù tái định cư sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam phía Đông. Do là kỳ cuối năm nên Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian xem xét báo cáo công tác cải cách bộ máy Nhà nước, thảo luận về báo cáo công tác Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo Phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng 2017. Một số trong các nội dung trên lần đầu tiên được thảo luận tại kỳ họp như báo cáo về giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; giám sát về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước.

Hoạt động chất vấn tiếp tục diễn ra trong 3 ngày. Về điểm mới trong tổ chức kỳ họp lần này, ông Lê Bộ Lĩnh cho biết: Quốc hội sẽ giảm thời gian trình bày báo cáo (mỗi báo cáo không quá 15 phút, trừ báo cáo KTXH) mà dành nhiều thời gian để thảo luận. Đặc biệt, thời gian truyền hình trực tiếp cũng được tăng lên 11/26 ngày làm việc, trong đó có 2 nội dung lần đầu được bố trí thảo luận tại hội trường là báo cáo về bình đẳng giới và khiếu nại tố cáo. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung về phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp do đây là khoản thuế nhân dân đóng góp, cần thiết để nhân dân giám sát. Tiếp theo là báo cáo về công tác tư pháp – trong đó có báo cáo phòng chống tham nhũng cũng lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

Về nội dung nhân sự, trả lời câu hỏi của PV về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh – Trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai, cử tri Đồng Nai cũng có ý kiến về việc miễn nhiệm ĐBQH với bà, vậy hướng xử lý tiếp theo ra sao, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đúng là vừa qua là trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo. Việc này các cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét thực hiên quy trình cụ thể, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội sau.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng nói thêm về việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, cho rằng dự án có rất nhiều đổi mới, đặc biệt liên quan đến kê khai tài sản. Theo đó, Luật cũng đưa ra sửa đổi, đề cao trách nhiệm của các đối tượng phải kê khai tài sản; trình tự, thủ tục kê khai, nghiên cứu mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, đặc biệt trong các lĩnh vực cử tri quan tâm. Dự thảo mới cũng đề cao tính trung thực của các đối tượng kê khai và thẩm quyền của các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra khi có dư luận cử tri quan tâm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu có đơn thôi nhiệm

Bên lề buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi xung quanh lý do miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, việc miễn nhiệm là do ông Phan Văn Sáu đã có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ. "Ông Phan Văn Sáu đã có đơn xin thôi nhiệm vụ Tổng Thanh tra vì lý do sức khỏe, gia đình để chuyển sang nhiệm vụ, vị trí công tác khác cho phù hợp. Khi ông Sáu có đơn xin thôi thì phải chấp nhận", ông Phúc nói. 

Trả lời câu hỏi về việc Tổng Thanh tra Chính phủ mới nhận nhiệm vụ đã xin thôi, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: "Việc này khó nói trước lắm. Khi mới được bầu thì cán bộ đang từ vị trí ở địa phương lên làm Phó Ban Kinh tế Trung ương rồi Tổng Thanh tra Chính phủ thì rất phấn khởi, vinh dự. Thế nhưng qua thời gian làm việc thì sức khỏe, gia đình khó khăn, không đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ nên xin thôi. Việc này, tôi cho là nên ủng hộ, khuyến khích bởi người ta đã có đơn thế rồi mà còn gò ép phải cố gắng sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ".

Ông Phúc cũng cho biết thêm, trong việc phê chuẩn các nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ mới sẽ dựa trên danh sách nhân sự do Chính phủ trình. "Thủ tướng Chính phủ trình sẽ trình các nhân sự ra trước Quốc hội và trình ai Quốc hội sẽ phê chuẩn người đó. Còn việc có phê chuẩn hay không là quyền của Quốc hội", ông Phúc nói thêm.


 

Vũ Hân
.
.
.